Cuộc thi viết về chủ quyền: Cô Tô như cánh buồm no gió

Cô Tô không chỉ có tượng đài Bác Hồ mà còn có tượng đài của lòng dân tin vào Đảng và Nhà nước, chung tay giữ vững chủ quyền quốc gia thiêng liêng trên biển

Tôi đến thăm đảo Cô Tô, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023). Trên đường từ Hà Nội đến Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, di chuyển ra cảng quốc tế Ao Tiên để đi tàu ra đảo Cô Tô, đâu đâu cũng rợp bóng cờ đỏ sao vàng trong ngày hội nối liền non sông gấm vóc.

Máu thịt của Tổ quốc

Một cảm xúc rất thiêng liêng khi đặt chân lên đảo Cô Tô, ngước nhìn cột cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Bài ca "Đất nước trọn niềm vui" của cố nhạc sĩ Hoàng Hà phát trên hệ thống loa phát thanh của đảo. Tiếng nhạc hào hùng càng khiến tâm trạng tôi thêm phấn chấn, xen lẫn tự hào.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô

Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, cách đất liền 60 hải lý, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng của đất nước với 200 km đường biên giới trên biển, kéo dài từ đảo Trần tới quần đảo Bạch Long Vĩ của TP Hải Phòng. Huyện Cô Tô có 50 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Cô Tô, chừng 50 km2.

Từ xa xưa, Cô Tô đã là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Từ lâu, người dân đã được đưa lên đảo để giữ đất, dựng làng; lấy sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản làm sinh kế để an cư, lập nghiệp, phát triển cộng đồng dân cư trên đảo nhằm chống lại âm mưu xâm chiếm của ngoại bang. Năm 1832, nhằm khẳng định chủ quyền và bảo đảm an ninh vùng biển đảo, Nguyễn Công Trứ đã xin triều đình cho thành lập làng xã, lập đồn, cắt cử người cai quản các đảo ở huyện Cô Tô ngày nay.

Tiềm năng của Cô Tô là rất lớn. Thiên nhiên đã ưu ái ban cho hòn đảo xinh đẹp này 300 km2 ngư trường đánh bắt thủy hải sản. Những khu vực biển xanh cát trắng được bao phủ bởi màu xanh của rừng là lợi thế để Cô Tô phát triển ngành du lịch - dịch vụ.

Tuy nhiên, trước năm 2010, Cô Tô gần như chưa phát triển do hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu điện, nước ngọt và tàu ra đảo. Vì những khó khăn đó, một bộ phận người dân trên đảo chưa thật sự gắn bó với Cô Tô, chỉ coi đây là chỗ trú chân tạm thời. Việc quảng bá khách du lịch đến Cô Tô cũng thiếu sức hút. Dịch vụ hạ tầng không có nên nhà đầu tư không thể bỏ tiền của ra xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, điểm vui chơi, giải trí.

Cột mốc đáng nhớ với người dân Cô Tô là vào ngày 16-10-2013, điện lưới quốc gia chính thức ra đảo. Kế hoạch xây dựng hồ chứa nước ở nhiều nơi cũng được triển khai với mục tiêu bảo đảm cung cấp 100% nước sạch cho quân và dân trên đảo. Có điện, hệ thống hạ tầng viễn thông phát triển, nhất là wifi của các nhà mạng luôn căng sóng như ở đất liền.

Khi được khánh thành cuối tháng 10-2022 và chính thức khai thác vào đầu tháng 3 năm nay, cảng quốc tế Ao Tiên tạo ra cú hích để doanh nghiệp đầu tư tàu thuyền vận chuyển du khách ra đảo, mở ra một tour du lịch biển đảo đầy tiềm năng.

Đến Cô Tô đúng vào dịp nghỉ lễ nhiều ngày, tôi cảm nhận "sức nóng" thu hút khách du lịch của hòn đảo này. Mỗi ngày, rất đông khách đến đảo tham quan du lịch, kéo theo nhiều hoạt động phát triển, như dịch vụ lưu trú với các nhà nghỉ, khách sạn từ 2 đến 4 sao; dịch vụ nhà hàng ăn uống, thương mại, vận chuyển du khách bằng xe điện...

Du khách tham quan trạm hải đăng trên đảo Cô Tô

Du khách tham quan trạm hải đăng trên đảo Cô Tô

Xinh đẹp, yên bình

Cô Tô bây giờ như cánh buồm no gió rẽ sóng vươn khơi. Người dân đến Cô Tô để làm ăn, xây dựng cuộc sống mới không còn tư tưởng ăn ở thời vụ như trước mà đã định cư lập nghiệp, gắn bó với hòn đảo xinh đẹp, yên bình này.

Đến nay, toàn huyện đảo Cô Tô có khoảng 2.000 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu. Cô Tô - hòn đảo nhỏ ở vùng phên giậu của Tổ quốc nhưng đã trở thành ngôi nhà chung của 13 dân tộc anh em sinh sống, gồm đồng bào người Kinh, Thái, Tày, Mường, Khmer, Hoa, Nùng, Dao, Gia Rai, Chăm, Sán Dìu, Hrê, Giáy.

Đến Cô Tô, nhiều du khách rất xúc động và cảm nhận như có bóng dáng "bản sao của Ba Đình" giữa trung tâm hành chính của huyện đảo. Cột cờ chủ quyền đảo Cô Tô do Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế, thi công có chiều cao 27,9 m, khá giống với cột cờ ở Quảng trường Ba Đình. Phía sau cột cờ là tượng đài Bác Hồ - mắt nhìn ra biển, đang vẫy tay chào quân và dân trên huyện đảo. Sau cùng là Nhà Tưởng niệm Bác Hồ - được thiết kế theo kiểu mái chùa với góc uốn cong, tạo thành một quần thể uy nghiêm, trang trọng trên quảng trường của đảo. Có lẽ chủ ý của người thiết kế là muốn đem sự linh thiêng của Ba Đình lịch sử tới hòn đảo tiền tiêu này?

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô

Tượng đài Bác Hồ trên đảo Cô Tô

Còn nhớ, vào ngày 9-5-1961, khi Bác Hồ đến thăm quân và dân đảo Cô Tô, Người đã căn dặn: "Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng, tiến bộ".

Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân Cô Tô đã xin được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người. Nguyện vọng của quân và dân đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, với chất liệu bằng thạch cao, tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Sau 2 lần tu sửa, đến nay, bức tượng đã được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu đá granite. Đây là bức tượng hiếm hoi được xây dựng khi Người còn sống.

Theo lịch trình khám phá đảo Cô Tô, chúng tôi đến tham quan ngọn hải đăng nằm trên một quả đồi. Đây là ngọn hải đăng được xây dựng từ thế kỷ XIX và là một trong 30 "con mắt biển đêm", có nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền di chuyển qua khu vực đảo Cô Tô. Trên đường lên ngọn hải đăng, một đơn vị pháo cao xạ đang trực chiến, nòng súng hướng lên trời cao sẵn sàng bảo vệ biển đảo và sự bình yên cho đất liền.

Nhà Tưởng niệm Bác Hồ và bia ghi khắc ngày Người ra thăm Cô Tô

Nhà Tưởng niệm Bác Hồ và bia ghi khắc ngày Người ra thăm Cô Tô

Một chuyến tham quan du lịch đã cho tôi thấy được chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi gắn kinh tế với quốc phòng, tạo sinh kế cho người dân để nhân dân trên đảo yên tâm "coi đảo là nhà, biên giới là quê hương".

Tôi tin Cô Tô sẽ ngày một phát triển hơn nữa, trở thành viên ngọc sáng ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Cô Tô không chỉ có tượng đài Bác Hồ mà còn có "tượng đài" của lòng dân tin vào Đảng và Nhà nước, chung tay giữ vững chủ quyền quốc gia thiêng liêng trên biển.

Những năm gần đây, Cô Tô đã có bước phát triển mới; cơ cấu kinh tế chuyển sang du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, du lịch - dịch vụ sẽ là mũi nhọn chủ lực để Cô Tô phát triển kinh tế, gắn với an ninh - quốc phòng trên hòn đảo này.

Bài và ảnh: Trần Minh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/co-to-nhu-canh-buom-no-gio-20230527210944509.htm