Cuộc thi viết về chủ quyền: Về nơi đầu sóng
Với bộ đội đảo Hòn Từ, hai tiếng thiêng liêng Tổ quốc đã hằn sâu trong tim, luôn một lòng kiên định, vững tay súng canh giữ chủ quyền, biên cương của đất nước
Hôm rồi, trung úy Phạm Minh Thùy - Trung đội trưởng Trung đội Hòn Từ trực thuộc Trung đoàn 152, Quân khu 9 - nhắn tin cho tôi. Ngoài gửi vài bức ảnh mới nhất cập nhật cuộc sống nơi trùng khơi phên dậu Tây Nam, những hình ảnh đời thường hiếm hoi của bộ đội nơi đảo nhỏ đang làm nhiệm vụ canh giữ lãnh hải biên cương là lời ướm hỏi khi nào tôi lại ra thăm Hòn Từ.
Mới đó mà đã hơn nửa năm kể từ lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hòn Từ - hòn đảo nhỏ, diện tích vỏn vẹn 1 km2, lọt thỏm giữa quần đảo Thổ Châu (Thổ Chu) - nơi xa nhất của vùng biển phía Nam Tổ quốc, thuộc xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hòn Từ (hay còn gọi là Hòn Vọng) là một trong 8 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Thổ Châu và là hòn thứ hai có người sinh sống, sau đảo lớn Thổ Châu.
Từ đất liền, để đến được với Thổ Châu đã là một hành trình gian nan, huống hồ muốn đến Hòn Từ lại càng khó khăn hơn. So với những đảo khác của tỉnh Kiên Giang như Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn… thì Thổ Châu vốn đã ít người biết tới hơn cả thì thông tin về đảo nhỏ Hòn Từ gần như bặt bóng trên các trang tìm kiếm. Thế mới thấy được cái xa xôi cách trở của rẻo đất nhỏ nổi lên giữa trùng khơi biên ải, nơi 25 chàng trai với tuổi đời còn rất trẻ lặng lẽ ngày đêm kiên gan bền chí đứng gác, làm bạn với biển và trời.
Muốn đến Hòn Từ, từ cảng Rạch Giá, chúng tôi đi tàu cao tốc đến Phú Quốc và nghỉ lại đây một đêm chờ nối chuyến ra Thổ Châu. Mỗi tháng có khoảng 6 chuyến tàu ra vào nên phải liên hệ trước để đặt chỗ, cũng để nắm tình hình, xem thời tiết có thuận lợi không. Như hôm chúng tôi đến Phú Quốc thì gặp áp thấp trên biển Đông, phải 3 ngày sau mới có tàu. Ngồi tàu trung tốc Thổ Châu 09 thêm gần 5 giờ dập dềnh sóng gió, nôn thốc mật vàng mật xanh chúng tôi mới cập bến đảo tiền tiêu Thổ Châu.
Thổ Châu gắn liền với câu chuyện bi thương đã gần nửa thế kỷ. Khi đất nước vừa giải phóng, lợi dụng tình thế đảo nhỏ cách trở nên quân ta chưa kịp ra tiếp quản, ngày 10-5-1975, Pol Pot đã tràn sang đóng quân trái phép, bắt cóc và thảm sát toàn bộ hơn 500 người dân đang sinh sống tại đây. Khi quân ta tổ chức đánh và chiếm lại Thổ Châu thì chính Hòn Từ là nơi được giải phóng muộn nhất quần đảo. Nhìn trên hải đồ sẽ thấy Hòn Từ như một tấm khiên chắn phía Đông Bắc Thổ Châu, là điểm chuyển tiếp thông tin và tiếp tế giữa Thổ Châu và đất liền. Chính vì có ý nghĩa đặc biệt như vậy nên sau khi giải phóng luôn có một trung đội túc trực canh gác, đó là Trung đội Hòn Từ.
Đứng ở nơi cao nhất của đảo Thổ Châu có thể thấy Hòn Từ thấp thoáng không xa. Nhưng cũng phải nghỉ lại đảo Thổ Châu một đêm, hôm sau vượt đoạn đường 10 km đến Bãi Dong, từ đó chúng tôi mới xuống tàu xuất phát ra Hòn Từ cách khoảng 1 giờ lênh đênh với sóng. Đoạn đường tuy ngắn nhưng không dễ, phải đợi lúc sóng êm, gió giảm cấp mới có thể ra khơi. Dọc đường, chúng tôi tấp lại tàu cá của ngư dân chia mấy cây đá lạnh mà theo lời người tài công đưa chúng tôi đi, quý nhất là thứ này nếu muốn biếu bộ đội Hòn Từ.
Đến Hòn Từ, đón chúng tôi là trung úy Phạm Minh Thùy. Từ lúc được tin có đoàn từ đất liền ra thăm thì trung úy Thùy trông đứng trông ngồi, vào ra thấp thỏm mong ngóng. Thùy còn trẻ lắm nhưng đã được coi là lớn tuổi nhất trung đội, khi mới tròn 25 tuổi. Ngày anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 ra nhận công tác đến nay đã gần 2 năm, đúng vào thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên chẳng có đoàn khách nào ghé thăm Hòn Từ. Cũng ngần ấy thời gian anh chưa về thăm nhà ở huyện Đông Hải - một huyện nghèo vùng ven của tỉnh Bạc Liêu. Thùy nói nếu không có gì thay đổi thì cuối năm sẽ về thăm gia đình.
Giữa thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, chúng tôi được bộ đội đón tiếp dưới bóng cây sồi già, trông chờ sự tưới mát từ gió thiên nhiên. Hóa ra ở Hòn Từ chưa có điện. Lúc này tôi mới hiểu vì sao đá cây ở đây lại quý như vàng.
Trung úy Thùy kể nguồn lương thực, thực phẩm của Hòn Từ chủ yếu được tiếp tế từ đảo lớn Thổ Châu. Mỗi 5 ngày có một chuyến cấp. Gặp lúc gió to bão nổi thì phải chờ lâu hơn. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nếu không có đá cây để bảo quản thực phẩm thì có lẽ bộ đội phải ăn đồ đóng hộp dài dài. Dầu diesel ở đảo rất đắt nên máy phát chỉ chạy điện vài giờ vào buổi tối để bộ đội học tập, xem tin.
Điện đã vậy, sóng điện thoại cũng chập chờn lúc có khi không. Mỗi lần muốn gọi điện về cho gia đình, các chiến sĩ phải đi bộ ra tuốt bệ đá phía bờ Đông, sim phải là mạng Viettel, thiết bị tốt nhất là "cục gạch" đen trắng. Còn muốn gọi mạng để thấy mặt người nhà cho đỡ nhớ thì phải lên tít đồi cao - gọi là đồi mộ cô Hai, nơi an nghỉ của những thi thể vô danh dạt vào Hòn Từ được bộ đội tiếp vớt và chôn cất.
Sau buổi trà nước, trung úy Thùy đưa chúng tôi tham quan một vòng đảo. Ngoài khu vực lối đi và doanh trại là 2 dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, còn lại là bạt ngàn rừng. Nhờ bảo tồn được rừng nguyên sinh mà đảo hiện đã có nước ngọt sử dụng nhưng cũng phải hết sức tiết kiệm. Binh nhất Lâm Thanh Tèo (quê thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) bộc bạch: "Tụi em phải xài dè sẻn từng giọt nước. Nước mưa được hứng vào bể chứa để lắng trong, là nguồn nước chính dùng để ăn uống lẫn sinh hoạt. Nước để uống được tụi em nấu chín rồi để nguội cho vào bình".
Cuộc sống của bộ đội ở nơi đầu sóng ngọn gió thiếu thốn, khó khăn trăm bề. Các anh vừa phải đối mặt với bão lớn, bão nhỏ vừa canh giữ vùng giáp ranh với bao hiểm nguy. Thế nhưng, khi được hỏi có điều gì khiến mình sợ, trung sĩ Phan Văn Đạt (quê huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) trải lòng: "Khắc nghiệt nhất vẫn là sự cô đơn, là nỗi nhớ quay quắt người thân những khi chiều xuống. Chị nhìn biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà ao ước, chứ tụi em có lúc sợ màu xanh ấy vô cùng".
Những lời của Đạt khiến tôi nhớ đến một đoạn trong bút ký "Hoàng hôn màu lá mạ" của nhà văn Chu Lai khi viết về lính đảo Trường Sa: "Cái sợ nhất ở đảo là sự cô đơn anh ạ. Nhìn mãi ra biển nên đâm sợ màu xanh. Mỗi khi thủy triều rút, đầu óc thần kinh mình như bị rút theo, sa sầm cả mặt mày".
Nhưng vượt lên tất cả, đó là ý chí của người lính. Với binh nhất Lâm Thanh Tèo, ý chí ấy tôi luyện sự can trường, kiên định, lý tưởng sống của người lính. "Khi được làm nhiệm vụ ở đây, em mới cảm nhận rõ nhất điều mình làm là thiêng liêng, ý nghĩa. Càng ở nơi non cao biển sâu lại càng thấy yêu quê hương, đất nước. Gian khổ nào rồi cũng qua!" - binh nhất Lâm Thanh Tèo nói.
Với bộ đội đảo Hòn Từ, hai tiếng thiêng liêng "Tổ quốc" đã hằn sâu trong tim. Các anh luôn một lòng kiên định, vững tay súng ngày đêm canh giữ chủ quyền, biên cương của đất nước.
Chỉ một ngày ở Hòn Từ, tôi cũng đã phần nào hiểu được cuộc sống của người lính đảo xa. Dẫu không thể kể hết những gian khổ hy sinh, những nỗi niềm quá hiếm khi được giãi bày của những người bộ đội Cụ Hồ nhưng cũng đủ khiến chúng tôi tự hào vì đã có mặt ở đây, nơi đảo nhỏ muôn vàn cách trở này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/ve-noi-dau-song-20230610204551556.htm