Cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ coi Diễn đàn Người Lao động năm 2023 là 'một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt', qua đó, Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe ý kiến của công nhân, viên chức, lao động.
Với chủ đề "Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn", Diễn đàn Người Lao động năm 2023 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn ra vào chiều 28/7 tại Nhà Quốc hội
Tham dự Diễn đàn có đại biểu là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Thường trực Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng 500 đại biểu đại diện cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương tương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Kênh thông tin quan trọng để làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao
Diễn đàn là dịp để đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.
Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức diễn đàn này, đúng dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Mọi quyết sách của Quốc hội đều lấy người dân và doanh nghiệp là vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động vừa là công dân, vừa là chủ thể rất quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Vì vậy, có thể nói công nhân, viên chức và người lao động là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật của nước ta.
Cho biết Diễn đàn là dịp để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn các cấp để hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ coi đây là "một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt". Qua đó, Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lắng nghe nhiều ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, tập trung chủ yếu vào vấn đề pháp luật có liên quan nhiều và trực tiếp đến người lao động và tổ chức Công đoàn.
Kỳ vọng các ý kiến phản ánh sẽ được tổng hợp đầy đủ, khách quan
Báo cáo tổng hợp tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của công nhân, lao động tại diễn đàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết sau khi lãnh đạo Quốc hội đồng ý chủ trương tổ chức Diễn đàn, ngày 7/7/2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, người lao động cả nước.
Qua việc lấy ý kiến đoàn viên, người lao động cả nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ghi nhận 1.589 kiến nghị của đoàn viên, người lao động được tổng hợp từ báo cáo của 79 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc và hơn 3.000 ý kiến từ các cơ quan báo chí, các nền tảng mạng xã hội của các cấp công đoàn.
Trong đó, nhiều vấn đề rất được đoàn viên, người lao động quan tâm như: Nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ.
Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của công nhân, trong sinh hoạt văn hóa, thể thao; khó khăn trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc... Đây cũng là mối quan tâm, trăn trở của Đảng, Nhà nước, của tổ chức Công đoàn.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến thành 45 vấn đề lớn để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, tại Diễn đàn này, đại diện đoàn viên, người lao động cả nước là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và cán bộ công đoàn sẽ phát biểu, nêu các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với những vấn đề được đông đảo đoàn viên, người lao động quan tâm.
Diễn đàn càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng ngày kỷ niệm 94 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2023). Cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên có 500 đoàn viên, người lao động có mặt để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, nơi biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước, nơi thể hiện tinh thần dân chủ, đoàn kết, sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
"Đoàn viên, người lao động cả nước tin tưởng và kỳ vọng tại Diễn đàn này, các ý kiến phản ánh sẽ được lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành tổng hợp đầy đủ, khách quan, được phân tích, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn", ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ./.
Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/cuoc-tiep-xuc-cu-tri-dac-biet-102230728153949154.htm