Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích gần một thế kỷ
Trong gần một thế kỷ qua, đã có nhiều cuộc thám hiểm tìm kiếm, nhiều giả thuyết được đưa ra về sự biến mất của nữ phi công lừng danh Amelia Earhart cùng chiếc máy bay Lockheed Electra.
Một công ty thám hiểm đại dương ở bang Nam Carolina, Mỹ cho biết họ vừa phát hiện một thứ “khả nghi” ở một địa điểm nằm dưới đáy sâu Nam Thái Bình Dương: một vật thể có hình dạng và kích thước tương tự như chiếc máy bay của Earhart. Nếu đó thực sự là máy bay của Earhart thì một trong những bí ẩn dai dẳng nhất của ngành hàng không thế giới, “điều gì đã xảy ra với Earhart và chiếc máy bay của cô khi nó biến mất vào năm 1937”, có thể sẽ được giải đáp.
Nếu bị bác bỏ, câu chuyện này chỉ làm dài thêm chuỗi các giả thuyết đã bị bác bỏ và những lần “tìm thấy dấu vết của Earhart nhưng hóa ra không phải”.
Các cuộc tìm kiếm dạng này vẫn luôn hấp dẫn giới thám hiểm, ngoài tính tò mò được thỏa mãn, còn là chuyện tiền bạc. Việc phát hiện ra những con tàu bị mất tích như tàu Titanic và con tàu chở nô lệ Clotilda trước đây thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí quốc tế và những hợp đồng làm phim béo bở. Nhưng những tìm kiếm không có kết quả gì có thể khiến các nhà thám hiểm vừa mất mặt vừa mất rất nhiều tiền bạc đã chi ra. Và sự biến mất của nữ phi công Earhart cùng chiếc máy bay đã trở thành thỏi nam châm thu hút những cuộc tìm kiếm không có kết quả trong nhiều thập kỷ.
Năm 2023, công ty của Romeo đã sử dụng một chiếc tàu lặn không người lái trị giá 9 triệu USD để rà tìm gần 16.000 km2 đáy biển gần hòn đảo nơi nhiều người tìm kiếm Earhart tin rằng máy bay của cô đã rơi.
Sử dụng công nghệ sóng siêu âm tiên tiến, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy manh mối có thể là dấu vết của chiếc máy bay ở độ sâu hơn 5.000m. Romeo cho biết vật thể này có cùng kích thước và hình dạng với một chiếc Lockheed Electra còn nguyên vẹn, chiếc máy bay mà Earhart sử dụng khi gặp nạn. Bước tiếp theo của Deep Sea Vision là thực hiện một chuyến thám hiểm khác trong năm nay, sử dụng máy ảnh để tìm kiếm bằng chứng để xác nhận kết quả chính xác của cuộc tìm kiếm, chẳng hạn như số đuôi NR16020 của chiếc Lockheed Electra.
Bí ẩn nhiều thập kỷ
Bí ẩn bắt nguồn từ câu chuyện cá nhân đầy cảm hứng của Amelia Earhart, sinh năm 1897. Cô bắt đầu sự nghiệp bay vào đầu những năm 1920, chưa đầy hai thập kỷ sau khi anh em nhà Wright, những người đầu tiên phát minh ra máy bay, cất cánh chiếc Kitty Hawk ở bang Bắc Carolina, Mỹ. Năm 1928, cô vượt Đại Tây Dương với tư cách là một hành khách.
Nhưng chuyến bay một mình không ngừng nghỉ xuyên Đại Tây Dương vào năm 1932 mới củng cố vị trí của Earhart trong lịch sử hàng không. Cho đến lúc đó, chỉ có nam phi công Charles Lindbergh lập được thành tích này.
Vào cuối những năm 1930, sự nổi tiếng của Earhart đã vượt ra ngoài lĩnh vực hàng không. Cô trở thành bạn của đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Eleanor Roosevelt và là người phát ngôn đầy uy tín cho nữ quyền. Cô là cố vấn cho các nữ phi công trong lĩnh vực vốn do nam giới thống trị. Năm 1937, cô đặt mục tiêu đạt được một thành tựu nữa: một chuyến đi vòng quanh thế giới.
Máy bay của cô là chiếc Lockheed Electra 10E hai động cơ. Đây là chiếc máy bay chở khách nhỏ do hãng Lockheed chế tạo và Earhart đã độ lại để có thể chở thêm bốn thùng nhiên liệu. Máy bay có một cái đuôi rộng với hai cánh đứng để tăng độ ổn định.
Earhart và hoa tiêu Fred Noonan bắt đầu chuyến đi từ Oakland, California, vào ngày 21/5/1937. Hướng về phía đông, họ bay tới Miami và sau đó là Nam Mỹ. Họ vượt Đại Tây Dương đến Châu Phi, bay qua sa mạc Sahara và Trung Đông và tới Lae, New Guinea vào cuối tháng 6/1937.
Chặng tiếp theo của họ là đến đảo Howland, một bãi cát có kích thước bằng ba sân golf (hơn 200 ha). Ngay trước khi khởi hành, Earhart thông báo: “Máy bay Electra đã sẵn sàng cho chặng đường dài nhất của chúng tôi, 2.556 dặm (khoảng 4.760km) tới đảo Howland ở giữa Thái Bình Dương… Howland là một địa điểm nhỏ ở Thái Bình Dương nên mọi trợ giúp để định vị nó đều phải có sẵn”.
Theo yêu cầu của Earhart, chính phủ Mỹ đã bố trí lực lượng tuần duyên Itasca gần đảo Howland.
Mười bốn giờ sau, Earhart gửi cho lực lượng tuần duyên một tin nhắn về tình trạng thời tiết nhiều mây.
Trong một lần truyền tin khác, cô nói “còn cách 200 dặm”.
Tín hiệu vô tuyến ngày càng rõ ràng hơn, cho thấy Earhart đang tiến gần đảo.
“KHAQQ gửi Itasca”, cô truyền tin qua radio lúc 7h42 sáng… “Chúng tôi phải ở gần các anh nhưng không thể nhìn thấy các anh. Nhiên liệu sắp cạn. Không thể liên lạc với các anh bằng radio. Chúng tôi đang bay ở độ cao 1.000 feet (330m)”.
Việc tìm kiếm một hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương là một thách thức lớn. Noonan lập biểu đồ đường đi của họ một phần bằng cách sử dụng kỹ thuật định vị thiên thể. Kỹ thuật định vị thiên văn (celestial navigation techniques) là phương pháp xác định vị trí trên Trái Đất bằng cách đo vị trí của các thiên thể. Các kỹ thuật này được các nhà thám hiểm, thủy thủ và phi công sử dụng để định vị khi di chuyển trên biển và trên không trong hàng thế kỷ.
Để dự phòng, họ có thể bay dọc theo đường nối giữa đảo Howland và đảo Baker khoảng 30 dặm về phía nam.
Thông báo radio cuối cùng của Earhart là: “Chúng tôi đang ở vị trí 157 đoạn 337… Chúng tôi hiện bay theo hướng bắc - nam”. Sau đó là im lặng.
Các thuyết âm mưu
Các nhà tâm lý học từ lâu đã biết rằng nhu cầu lấp đầy khoảng trống thông tin đã ăn sâu vào hệ thống thần kinh của chúng ta. Chính phủ Mỹ đã phát động một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhưng rồi phải hủy bỏ ba tuần sau đó mà không phát hiện dấu hiệu nào về Earhart và Noonan hay chiếc máy bay của họ.
Khoảng trống thông tin sớm tràn ngập những suy đoán và thuyết âm mưu.
Có phải Earhart và Noonan đã gặp nạn ở một hòn đảo khác? Hay họ bị quân Nhật bắt làm tù binh? Cô ấy có phải là gián điệp không? Hay Earhart và Noonan chỉ đơn giản là hết nhiên liệu ở gần đảo Howland và rơi? Có phải mảnh vỡ bị chìm lấp sâu dưới đáy Thái Bình Dương? Hay máy bay bị vỡ và bị sóng cuốn đi?
Ric Gillespie là giám đốc điều hành Nhóm quốc tế Phục hồi máy bay lịch sử, dành hơn 35 năm tìm kiếm máy bay của Earhart và các manh mối khác. Nhóm của ông cho rằng Earhart và Noonan đã hạ cánh trên đảo Nikumaroro, cách đảo Howland 400 dặm về phía nam, điểm đến dự định của họ. Nhóm đưa ra bằng chứng dựa trên các cuộc gọi cấp cứu qua sóng radio, những bức ảnh cũ và các manh mối khác.
Vào năm 2019, một nhóm do Robert Ballard, người tìm thấy tàu Titanic, dẫn đầu, gây chú ý khi tìm kiếm gần đảo Nikumaroro. Cuộc săn lùng đó bắt đầu sau khi nhóm của Gillespie thu được một bức ảnh đen trắng mờ ảo về thứ trông giống như một bộ phận càng đáp máy bay gần Nikumaroro. Tờ New York Times dẫn lời Ballard nói: “Điều này thực sự làm thu hẹp phạm vi tìm kiếm phải không?”.
Nhưng sau chuyến thám hiểm có chi phí hàng triệu đô la, nhóm của Ballard đã tìm thấy một lon soda và hai chiếc mũ, nhưng không thấy mảnh vỡ nào từ máy bay của Earhart.
Câu cá bằng nam châm và tàu lặn không người lái
Romeo từng có sáu năm trong Không quân Mỹ, với vai trò phi công máy bay chiến đấu F-16 đồn trú ở New Mexico. Năm 2008 sau khi rời quân ngũ, Romeo chuyển qua kinh doanh bất động sản.
Nhưng đại dịch COVID-19 và sự sụp đổ của thị trường văn phòng đã khiến ông suy nghĩ lại về con đường sự nghiệp, đặc biệt là sau khi đọc một câu chuyện trên The Wall Street Journal về “câu cá” bằng nam châm. Đây là trò tiêu khiển trong đó người ta nối nam châm vào dây rồi ném chúng xuống nước để tìm những vật kim loại. “Tôi đã mua một nam châm cực mạnh và đi săn cùng con trai và con gái. Mọi thứ chúng tôi tìm thấy, từ dao đến dụng cụ câu cá, đều giống như một kho báu”.
Romeo và anh trai Lloyd, cũng là một phi công, bắt đầu bàn về việc sử dụng nam châm để tìm những chiếc máy bay bị chìm, và có lẽ cả chiếc Lockheed Electra của Amelia Earhart.
Họ đã suy nghĩ rất kỹ về chuyến bay của Amelia Earhart: mức tiêu thụ nhiên liệu, gió và cường độ tín hiệu vô tuyến. Những tín hiệu radio cuối cùng của cô ấy ngày càng rõ nét hơn, bằng chứng mạnh mẽ cho thấy cô đã đến gần đảo Howland. Điều này dường như bác bỏ giả thuyết của Gillespie rằng Earhart và Noonan đã bị rơi cách Howland 400 dặm về phía nam.
Trong tâm trí của hai anh em, đống đổ nát phải ở đâu đó gần nơi Earhart dự định đến.
Tony Romeo đã tìm hiểu về một chiếc tàu lặn không người lái do hãng Kongsberg, Na Uy sản xuất. Tàu Hugin 6000 có thiết bị định vị thủy âm (sonar) tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng quét vùng đáy biển rộng 6.000m2 bên dưới bề mặt đại dương. Romeo đã bán tài sản của công ty bất động sản, thu về nhiều triệu USD, đủ để tài trợ cho “ý tưởng kinh doanh mới tiếp theo” của mình.
Ông thành lập Deep Sea Vision, thuê tàu lặn không người lái để tìm kiếm chiếc máy bay của Earhart, đồng thời lập bản đồ đáy đại dương để tìm khoáng sản. Romeo cho biết công ty của anh đã trả 9 triệu USD mua Hugin 6000. Ban đầu họ vấp phải một số phản đối từ chính phủ Na Uy và Mỹ, do căng thẳng thế giới và khả năng giám sát của thiết bị không người lái. Romeo cho biết phải mất sáu tháng để hoàn tất quá trình phê duyệt.
Tháng 8 năm ngoái, nhóm Deep Sea Vision với nhiều chuyên gia, khởi hành đến đảo Howland. Romeo nói nhiều hoạt động tìm kiếm trước đây xuất phát từ “tư duy hàng hải” và những người tìm kiếm coi đống đổ nát như thể nó là một con tàu bị mất tích. “Chúng tôi đến với tư duy hàng không nhờ nền tảng về không quân của tôi”.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc tìm kiếm nào cũng phải tính đến khả năng máy bay nổi lên sau khi bị rơi: Thùng nhiên liệu rỗng của nó sẽ tạo ra lực nổi đủ để giữ máy bay nổi trong một thời gian, Gary LaPook, luật sư ở California, người điều tra các vụ tai nạn máy bay, nhận định.
Ông LaPook bác bỏ tuyên bố của Gillespie rằng Earhart đã bay 400 dặm về phía nam tới đảo Nikumaroro. “Giả thuyết đó bị đánh bại bởi thực tế là cô ấy đã hết nhiên liệu”. LaPook cho biết Romeo đã gọi cho ông để hỏi ý kiến về các khu vực tìm kiếm. Nhóm của Romeo cũng quan tâm đến cái mà Liz Smith, một nhà nghiên cứu khác về Earhart, gọi là “lý thuyết dòng thời gian”.
Smith cho rằng Noonan có thể đã mắc lỗi điều hướng khi máy bay vượt qua đường đổi ngày quốc tế, khiến Earhart bị lệch hòn đảo tới 60 dặm. Romeo nói rằng nhóm không tìm kiếm theo giả định mà Smith đưa ra. Trong hai tháng, họ liên tục cho Hugin tìm kiếm mục tiêu nhưng rồi hy vọng của họ bị dập tắt khi kiểm tra kỹ hơn. Đôi khi thứ mà họ ngờ là máy bay, cuối cùng chỉ là một dãy đá ngầm.
Nhưng rồi Wallace, giám đốc điều hành, nhận ra rằng dữ liệu họ thu thập hai tháng trước đó rốt cuộc không hề uổng phí. Phân tích qua những hình ảnh màu vàng lốm đốm mà Hugin thu về, nhóm phát hiện có một hình ảnh nổi bật. Vật thể đáng ngờ kia nằm ở độ sâu khoảng 5.000m và trông giống như một chiếc máy bay.
Ảo ảnh hay phát hiện mới?
Romeo nói vật thể này có cùng kích thước với chiếc Lockheed Electra. Nó dường như có hai cánh, thân và đuôi. Điều lôi cuốn nhất là hình dạng của thứ mà họ nghĩ có thể là cái đuôi: Nó tương tự như chiếc đuôi có cánh đôi đứng đặc biệt của chiếc Lockheed Electra.
David Jourdan, chủ tịch công ty Nauticos, đã ba lần tìm kiếm tàn tích của chiếc máy bay trong ba thập kỷ qua. Jourdan cho biết anh đã nhìn thấy hình ảnh sóng âm của Deep Sea Vision.
“Nó chắc chắn có vẻ là một loại máy bay nào đó. Nó có những tính năng giống như máy bay”, ông nói. “Nhưng nói vậy thật buồn cười. Hình ảnh đó có thể đánh lừa bạn. Chúng tôi không thể nói đó là máy bay của Earhart cho đến khi bạn mang được camera đến gần vật thể”.
Romeo tỏ ra thận trọng vì rất có thể hình ảnh kia chỉ là ảo giác. Nhưng kết quả sonar dường như cho thấy vật thể đó là kim loại. Công ty của ông dự định sẽ thực hiện một chuyến thám hiểm khác trong năm nay với một camera có khả năng xác định các đặc điểm của vật thể.
Hiện tại, họ đang giữ bí mật địa điểm. Các nhóm khác cũng đang săn lùng chiếc máy bay và Romeo rõ ràng không muốn đánh mất vị trí của đội mình trong cuộc đua này. Việc xác nhận vật thể đó là máy bay của Earhart cũng sẽ đặt ra một loạt câu hỏi pháp lý về quyền sở hữu nó và liệu nó có thể được trục vớt hay không.