Cuộc tìm kiếm những quả trứng Fabergé vô giá
Nhiều người vẫn ôm hy vọng rằng những quả trứng quý giá do nghệ nhân Fabergé chế tác vẫn còn đâu đó trong dân gian, chờ được tìm thấy...
Bí ẩn bên trong những lớp vỏ
Vào ngày Lễ Phục sinh năm 1885, Sa hoàng Alexander III đã tặng Hoàng hậu Maria Fedorovna một quả trứng trang sức nhằm kỷ niệm ngày lễ Phục sinh và cũng là kỷ niệm 20 năm ngày họ đính hôn. Điểm đặc biệt ở món quà là việc là nó được trang trí vô cùng tinh xảo, với một lớp vỏ men trắng ở bên ngoài, bên trong là một “lòng đỏ” bằng vàng có chứa một con gà mái. Bên trong con gà mái lại là một vương miện bằng kim cương và một mặt dây chuyền nhỏ bằng ruby.
Món quà vừa quý giá vừa đẹp đẽ đó đã khiến Hoàng hậu Maria Fedorovna vô cùng choáng ngợp và hài lòng, đến mức Sa hoàng Alexander III đã quyết định trao tặng huân chương cho Peter Carl Fabergé - người thợ kim hoàn đã có công chế tác ra tác phẩm tuyệt vời này. Ngoài ra, Sa hoàng cũng đã giữ Fabergé lại làm người chuyên thiết kế những quả trứng Phục sinh quý giá để ông ta làm quà tặng cho những người thân thích.
Trong 3 thập kỷ sau đó, đều đặn mỗi năm, Alexander đã yêu cầu Peter Carl Fabergé làm một quả trứng độc đáo và đặc biệt để tặng Hoàng hậu Maria trong dịp lễ Phục sinh. Sau khi Alexander qua đời, con trai của ông là Nga hoàng Nicholas tiếp tục mua những quả trứng quý từ Peter Carl Fabergé để tặng cho vợ của ông ta là Hoàng hậu Alexandra và mẹ đẻ. Tổng cộng, từ năm 1895 đến 1917, Peter Carl Fabergé đã chế tác 50 quả trứng Phục sinh xa hoa và lấp lánh cho Alexander và Nicholas II. Ngoài ra, ông cũng đã thiết kế 15 quả trứng khác theo đơn đặt hàng của những khách hàng giàu có, trong đó có 14 quả đã được bàn giao còn quả thứ 15 chưa từng được công bố.
Điều đáng chú ý là tất cả những quả trứng này đều chứa đựng một điểm đặc biệt, bất ngờ nào đó, khi thì là một miếng trang sức, chiếc đồng hồ hay một tấm chân dung nhỏ. Những chiếc vỏ trứng cũng được chế tác vô cùng tinh xảo và phức tạp. Đặc biệt, Quả trứng 300 năm được chế tác năm 1913 để đánh dấu 300 năm triều đại Romanov nắm quyền được làm từ vàng, bạc, kim cương, ngà voi và ngọc, tiêu tốn đến 21.300 rúp ở thời điểm mà mức lương trung bình của người Nga chỉ là 500 rúp mỗi năm. Cũng chính vì sự tỉ mẩn đến như vậy nên mỗi quả trứng này đều cần đến hơn 1 năm mới có thể hoàn thiện.
Chính vì sự xa hoa và đắt đỏ đó nên khi mùa màng thất bát và nạn đói lan rộng ở Nga trong những năm đầu của thế kỷ 20, những quả trứng Phục sinh trở thành biểu tượng của một triều đại tham lam, nhũng nhiễu và ích kỷ đến lúc phải lật đổ. Năm 1917, Nga hoàng Nicholas II buộc phải thoái vị và đã bị đày đến Siberia cùng với Alexandra và 5 người con của họ.
Khi những người Bolsheviks tiến hành lục soát các cung điện của Nga hoàng, nhiều quả trứng Fabergé đã được đóng gói đưa đi nhưng một số đã biến mất không dấu vết. Một số nguồn tin cho rằng gia đình Nga hoàng đã giấu một số viên kim cương và cả những quả trứng Fabergé trong quần áo trước khi bị đưa đi đày.
Về phía người tạo ra những quả trứng, sau khi gia đình Hoàng gia Nga sụp đổ, xưởng chế tác kim hoàn của Fabergé đã bị quốc hữu hóa. Bản thân nghệ nhân tài hoa này đã sang Thụy Sỹ sinh sống cho đến khi qua đời vào năm 1920. Trong những năm 1930, Joseph Stalin bắt đầu bán những tác phẩm nghệ thuật thu giữ được cho các bên sở hữu tư nhân nhằm thu tiền về ngân sách. Trong số đó, ít nhất 14 quả trứng quý đã được bán đi.
Quả trứng được tìm thấy năm 2014.
Những “kho báu” bị thất lạc
Chính những thiết kế và lịch sử độc nhất vô nhị nói trên đã khiến những quả trứng do Fabergé làm ra trở thành những kho báu có sức cuốn hút không thể cưỡng lại với những tay săn lùng các tác phẩm nghệ thuật. Các nguồn tin cho hay, hiện nay, 43 trong tổng số 50 quả trứng do Fabergé làm ra cho hoàng tộc Nga đang nằm trong những bảo tàng hay bộ sưu tập của những cá nhân ở Nga, Mỹ, Đức, Qatar và Monaco.
Có 7 quả khác chưa được tìm thấy, trong đó có những quả trứng vô cùng quý giá như Hen With Sapphire Pendant (chế tác năm 1886), phác thảo hình ảnh một con gà trống bằng vàng nạm những viên kim cương màu hồng đang nhặt một quả trứng sapphire từ ổ. Quả trứng này được nhìn thấy lần cuối cùng ở Cung điện Armory ở Kremlin năm 1922. Hay quả trứng có tên Cherub With Chariot (chế tác năm 1888), là hình ảnh một thiên thần đang kéo một cỗ xe ngựa có chứa một quả trứng bên trong, được nạm nhiều viên sapphire và kim cương. Quả trứng này được cho là đã được nhà bán đấu giá vào năm 1941...
Thực ra, trong những năm sau cách mạng Nga, đã có 8 quả trứng do Fabergé làm ra bị mất. Tuy nhiên, năm 2014, một quả trong số này đã được phát hiện một cách vô cùng tình cờ. Theo đó, một người chuyên kinh doanh phế liệu ở Mỹ đã mua được một khối kim loại được trang trí khá đẹp đẽ nhưng ông chỉ nghĩ đó là một vật mạ vàng. Do đó, người này đã định cho khối kim loại vào nung chảy hòng thu về ít tiền.
Nhưng, khi nhìn kỹ quả trứng, người kinh doanh phế liệu đã tình cờ lên internet và gõ vào Google những đặc điểm đáng chú ý của nó. Kết quả là, những đặc điểm của quả trứng này khá giống với mô tả của một quả trứng Fabergé đã mất tích. Ngay khi phát hiện điều lạ lùng khó tin, người buôn phế liệu đã tìm đến các chuyên gia để nhờ xác định và đã không thể tin được vào tai mình khi được biết đó quả thực là một trong những quả trứng quý giá đang được nhiều người săn tìm.
Theo CNN, quả trứng mà người buôn phế liệu đã toan cho vào nung chảy để lấy phế liệu là quả trứng thứ 3 được nghệ nhân tài hoa Fabergé chế tác. Đây là quả trứng mà Sa hoàng Alexander III đã tặng cho Hoàng hậu Tsarina nhân lễ Phục sinh năm 1887. Quả trứng này cao 8,2cm, được đặt trên những chân bằng vàng có hình chân sư tử. 3 chân bằng vàng nâng đỡ quả trứng được gắn rất nhiều kim cương, và ở giữa là một viên kim cương lớn, đóng vai trò như chốt mở. Bên trong quả trứng là một chiếc đồng hồ Vacheron Constantin.
Quả trứng này được cho là đã bị mất sau khi chính quyền Liên Xô đưa ra bán vào năm 1922 theo chương trình “biến những kho báu thành máy kéo”. Sau khi được xác nhận, quả trứng quý đã được bán cho một người sưu tập các tác phẩm nghệ thuật tư nhân với giá 33 triệu USD do nó không còn đảm bảo được hình dáng và những thiết kế ban đầu.
Sự xuất hiện trở lại của quả trứng nói trên đã một lần nữa dấy lên hy vọng rằng 7 quả trứng còn lại vẫn đang ở đâu đó chưa được tìm thấy. Do đó, nhiều người đã không tiếc công sức và tiền bạc để săn lùng. Ông Kieran McCarthy – một nhà sưu tập đá quý chuyên nghiên cứu về những tác phẩm của Fabergé – cho rằng, sự xuất hiện trở lại của những quả trứng này nếu xảy ra sẽ khiến giới nghệ thuật chao đảo.
“Chi phí bảo hiểm cho một quả trứng Fabergé hiện rơi vào khoảng từ hơn 40 đến 60 triệu USD. Những quả trứng này cũng hiếm khi được bán ra. Thậm chí, cơ hội để bạn mua được những bức tranh của Van Gogh hay Picasso còn lớn hơn nhiều so với khả năng bạn có thể mua được một quả trứng như vậy. Nếu những quả trứng bị mất được tìm thấy trong điều kiện bảo quản tốt, chúng có thể có giá lên đến hơn 330 triệu USD”, ông Kieran cho hay.