Cuộc tranh luận mới tại EU về điều chỉnh quy định với cây trồng biến đổi gene
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt gây nhiều thiệt hại cho sản xuất lương thực trên khắp châu Âu, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận những quy định mới đối với cây trồng biến đổi gene.
Tình trạng hạn hán năm ngoái đã tàn phá các nông trại tại "Lục địa già", khiến mọi vụ thu hoạch từ ô-liu tại Tây Ban Nha, ngô và hoa hướng dương tại Hungary cho tới ngành sản xuất sữa của Pháp đều thất bát. Một số ý kiến cho rằng để giải quyết vấn đề này, châu Âu nên bãi bỏ các quy định đối với kỹ thuật chỉnh sửa gene nhằm tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Theo họ, hạt giống được sản xuất bằng kỹ thuật này có khả năng chịu hạn và chống chịu sâu bệnh.
Theo kế hoạch, vào tháng 7 tới, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, sẽ đề xuất một đạo luật nhằm nới lỏng quy định đối với các loại thực vật được sản xuất dựa trên một số kỹ thuật gene mới (NGT), hay còn gọi là "sinh vật biến đổi gene mới" (GMO). Các kỹ thuật mới là sự kết hợp của các công cụ chỉnh sửa bộ gene làm thay đổi cấu trúc di truyền của thực vật mà không cần bổ sung vật liệu di truyền ngoại lai, không giống như các GMO "chuyển gene" chứa ADN từ các loài khác.
Giới phân tích nhận định các đề xuất này sẽ mở ra một cuộc tranh luận mới giữa 27 nước thành viên EU, trong đó có nhiều quốc gia chịu tác động của hạn hán đặc biệt ủng hộ đề xuất - với các nhà lập pháp của liên minh này. EC cho rằng các quy tắc hiện hành về GMO, trong đó có giấy phép và dán nhãn sản phẩm, là "không phù hợp" đối với công nghệ mới.
Trong khi đó, hồi tháng trước, Ủy viên phụ trách y tế của EU Stella Kyriakides nhận định thực vật được sản xuất bằng kỹ thuật gene mới có thể đảm bảo tính bền vững. Bà tin tưởng rằng các đề xuất liên quan sẽ mở ra con đường phù hợp cho nông dân, các nhà nghiên cứu và ngành sản xuất tại EU.