Cuộc trở về kịch tính của gấu trúc Ya Ya sau 20 năm ở Mỹ

Khi gấu trúc Ya Ya được đưa từ Trung Quốc sang Mỹ năm 2003, vài trăm người đứng chờ ở sân bay quốc tế Memphis để chào đón vị đại sứ thiện chí từ Bắc Kinh.

Hình ảnh tiều tụy của gấu trúc Ya Ya khiến dư luận Trung Quốc nổi giận và đòi đưa về nước.

Hình ảnh tiều tụy của gấu trúc Ya Ya khiến dư luận Trung Quốc nổi giận và đòi đưa về nước.

Khoảnh khắc đó đánh dấu giai đoạn đẹp đẽ của quan hệ Mỹ - Trung, hai năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới với sự ủng hộ của Mỹ, và hai nước đang hợp tác gần gũi trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến chống khủng bố.

Hai thập kỷ sau, Ya Ya lên máy bay trở về Trung Quốc hôm 26/4 vừa qua, trở thành biểu tượng cho quan hệ ngày càng xấu giữa hai siêu cường.

Ya Ya đáp xuống sân bay Thượng Hải hôm 27/4, sau chuyến bay kéo dài 16 giờ đồng hồ, trên chuyến bay “panda express” của FedEx, báo chí Trung Quốc đưa tin.

Trong gần 3 tháng qua, những bình luận sôi nổi ở Trung Quốc về cách đối xử với Ya Ya của vườn thú Memphis cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên đối kháng như thế nào.

Khác với hình ảnh mũm mĩm lông mượt năm 2003, chú gấu 22 tuổi Ya Ya gần như chỉ còn da bọc xương trong những bức ảnh chụp gần đây, trong khi bộ lông chỗ còn chỗ mất.

Nhiều người Trung Quốc sốc và buồn khi nhìn thấy tình trạng của Ya Ya. Một số người cho rằng nó không được chăm sóc đúng cách.

Ya Ya và bạn tình Le Le đáng lẽ được đưa về Trung Quốc trong năm nay, sau 20 năm sang Mỹ theo chương trình cho mượn. Tuy nhiên, Le Le chết bất ngờ vì bệnh tim hồi đầu tháng 2 năm nay, càng khiến dư luận hoài nghi rằng chúng bị đối xử tệ.

Được đưa vào chương trình “ngoại giao gấu trúc”, Ya Ya và Le Le cùng nhiều gấu khác được gửi đi các nước để làm sứ giả hữu nghị. Nhưng với những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, Ya Ya trở thành biểu tượng cho sự bắt nạt và chèn ép của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay.

“Đối xử với báu vật quốc gia của chúng ta với thái độ như thế là sự khiêu khích hoàn toàn đối với Trung Quốc”, một người bình luận trên mạng xã hội Weibo.

Trong khi đó, những đoạn phim về hai chú gấu trúc vui vẻ tràn đầy năng lượng ở vườn thú Mátxcơva đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc, khiến cư dân mạng nước này dành nhiều lời khen ngợi cho Nga.

Gấu trúc Ru Yi ở vườn thú Mátxcơva.

Gấu trúc Ru Yi ở vườn thú Mátxcơva.

Sau khi xuất hiện hình ảnh Ya Ya tiều tụy, cư dân mạng Trung Quốc quyết tập hợp để đưa nó về nước càng sớm càng tốt. Nhiều người ký đơn kiến nghị trực tuyến để kêu gọi đưa Ya Ya về nước. Những người Trung Quốc ở Mỹ thay nhau đến thăm chú gấu ở sở thú và cập nhật tình hình lên mạng xã hội. Có người bay từ Los Angeles đến để làm việc này.

Trong mấy tuần qua, Ya Ya thường xuyên trở thành chủ đề dẫn đầu trên Weibo, mỗi thông tin đều thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Những bức ảnh chụp Ya Ya được đưa lên màn hình quảng cáo từ New York đến Thượng Hải cùng với thông điệp: “Ya Ya, chúng tôi chờ bạn trở về nhà”.

Giống như lần sang Mỹ, cuộc trở về nước của Ya Ya cũng được nâng lên thành hình ảnh biểu tượng, nhưng không phải biểu tượng hữu nghị, mà là sự thù địch và ngờ vực.

Thước đo quan hệ ngoại giao

Trong 8 thập kỷ qua, gấu trúc đóng vai trò như một phong vũ biểu trong các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Bắc Kinh dùng gấu trúc làm chính trị từ năm 1941, khi họ tặng một cặp gấu trúc cho Washington để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Mỹ để chống lại Nhật Bản hồi đó.

Trong những năm sau, gấu trúc được tặng cho các nước xã hội chủ nghĩa, như Triều Tiên và Liên Xô. Khi Bắc Kinh kết nối lại với thế giới, gấu trở thành sứ giả thiện chí đến với cả phương Tây.

Trong chuyến thăm phá băng mang tính lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Trung Quốc năm 1972, phu nhân của ông đã thăm vườn thú Bắc Kinh và được nói là đã “siêu lòng” trước những con gấu lớn. Vài tuần sau, một cặp gấu trúc được đưa đến vườn thú quốc gia ở Washington DC.

Đệ nhất Phu nhân Mỹ Patricia Nixon thăm gấu trúc ở vườn thú quốc gia Trung Quốc năm 1972.

Đệ nhất Phu nhân Mỹ Patricia Nixon thăm gấu trúc ở vườn thú quốc gia Trung Quốc năm 1972.

Năm 1984, Trung Quốc dừng tặng gấu trúc miễn phí để chuyển sang chính sách cho mượn với giá cao. Ban đầu, gấu trúc được cho các vườn thú nước ngoài thuê trong giai đoạn ngắn, nhưng sau chuyển sang chương trình cho thuê lâu dài hơn, thường là 10 năm với mức phí 1 triệu USD mỗi năm.

Trung Quốc hiện nay đang cho khoảng 20 quốc gia trên khắp thế giới thuê gấu. Năm ngoái, Trung Quốc đưa một cặp gấu trúc đến Qatar, quốc gia Trung Đông đầu tiên nhận được sinh vật này.

Trung Quốc không cho Mỹ thuê thêm gấu trúc nào nữa trong 2 thập kỷ qua, từ khi Ya Ya và Le Le đến Memphis.

Bình Giang

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-tro-ve-kich-tinh-cua-gau-truc-ya-ya-sau-20-nam-o-my-post1530277.tpo