Cuộc trốn chạy khỏi những đỉnh núi - Bài 1: 'Nả ơi...'*

Tháng 12/2014, suối Bá Kết (người dân còn gọi là suối Tà Lạt) vào mùa nước cạn, đủ để một người đàn bà vén váy lên rồi cứ thế lội qua. Bá Kết thuộc địa phận xã Bản Lầu (Mường Khương), con suối là ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam - Trung Quốc. Phía bên kia biên giới, người phụ nữ vội vã theo lối mòn cứ thế đi vào đất liền, khuất sau rặng cao su đang mùa thay lá. Phía bên này, đứa trẻ khoảng 2 tuổi bàng hoàng nhận ra mình bị bỏ lại, bắt đầu cất tiếng khóc lớn gọi 'Nả ơi… nả ơi…'…

Tiếng khóc và gọi của đứa con nhỏ không đủ để người đàn bà ấy quay lại. Đứa trẻ khóc mỗi lúc một lớn hơn, hết đi rồi lại bò dọc những lùm cây bên cạnh con suối cạn nước mà nó không thể qua được. Nước cứ róc rách chảy. Nước như nước mắt. Đứa trẻ sau đó được lực lượng chức năng và người dân phát hiện. Sau những nỗ lực tìm lại gia đình nhưng vô vọng, đứa trẻ được một người dân trong xã nhận nuôi, đặt một cái tên khác, nói một thứ ngôn ngữ khác. Đứa trẻ cứ thế lớn lên và không gọi mẹ là “nả” nữa.

Người phụ nữ ấy là một trong hàng trăm phụ nữ đã rời bỏ địa phương trong những năm qua. Đứa trẻ cất tiếng khóc gọi “nả” đầy đau đớn và bất lực ấy cũng chỉ là một trong nhiều đứa trẻ bị bỏ lại, ngơ ngác đi tìm “nả”, phải sống dựa vào tình thương của người thân và những người xung quanh.

Bà Chảo Tả Mẩy, xã Bản Hồ (Sa Pa) vất vả nuôi 2 đứa cháu.

Bà Chảo Tả Mẩy, xã Bản Hồ (Sa Pa) vất vả nuôi 2 đứa cháu.

Chị Pằng và 6 đứa con của chị cũng vậy. Trong tiếng Mông, Pằng có nghĩa là bông hoa. Như cái tên của mình, năm 13 tuổi, chị Pằng (xã Sán Chải, Si Ma Cai) bắt đầu lớn, chúm chím như một nụ hoa núi. Chị Pằng đi lấy chồng. Sinh được 6 người con, một tay chị quán xuyến việc gia đình, quanh năm lên nương, xuống ruộng để đàn con được tới lớp và không bị đói. Sự cố gắng của chị không được đền đáp khi chồng sa đà vào hút chích, phải đi cai nghiện rồi sau đó lại tham gia một đường dây buôn bán ma túy dẫn đến việc phải chịu án tù vào năm 2011. Gánh trên vai trách nhiệm với 6 đứa con và một khoản nợ khổng lồ, năm 2013, chị Pằng khăn gói ra đi, đứa con nhỏ nhất chưa tròn 3 tuổi. Những ngày đầu, những đứa con nhớ mẹ, ở nhà ôm nhau khóc ròng rã…

Nhà bà Mẩy, xã Bản Hồ (Sa Pa) không có lối vào, chỉ có một con đường đất mà bà thường lùa trâu đi chăn, đi lại nhiều mà thành. Ngôi nhà không có hàng xóm, nằm chơ vơ lưng chừng núi, nép vào một khóm tre già cỗi và vài cây trẩu đang thì đậu quả. Vì không có điện, ngoài những tấm fiproxi măng làm mái lợp, khu chính giữa mái nhà, bà để trống một tấm, thay vào đó bằng tấm nhựa màu trắng để ánh sáng có thể rọi xuống căn nhà tù mù. Bà Mẩy đã 60 tuổi, sống cùng con trai út không chịu lao động mà chỉ thích đi lang thang, tụ tập vui chơi. Năm 2014, một buổi chiều muộn, bà Mẩy đi chăn trâu về đến nhà thì thấy 2 đứa cháu (một 5 tuổi, một 4 tuổi) ôm nhau khóc nức nở. Con dâu và con trai thì không thấy đâu, hỏi 2 đứa cháu thì bà biết bố mẹ chúng lại vừa xảy ra xung đột, sau khi bố bỏ đi thì chị Mẩy - con dâu bà Mẩy (phụ nữ người Dao thường đặt tên là Mẩy), đưa cho 2 đứa con chiếc điện thoại mình hay dùng để chúng không khóc nữa rồi cứ thế đi từ lúc nào không hay. Bà Mẩy nói với chúng tôi: Nó đi không trách được, con mình không chịu đi làm, suốt ngày uống rượu, nghiện hút, về còn đánh nó, chửi nó nữa. Nhiều lần quá rồi nên nó mới không chịu được nữa!

Nói rồi bà Mẩy đưa tay lau nước mắt: “Biết nó đi, tôi đi lên đầu dốc, đi xuống Bản Hồ, đi cả sang nhà bố mẹ đẻ để tìm nhưng cũng không thấy con dâu đâu cả. 5 năm rồi nó chưa về, chẳng biết là đi đâu, sống như thế nào. Khổ quá!”.

Từ nhà bà Mẩy đi lên đường lớn, chúng tôi phải leo 6 con dốc ngắn, vắt dọc vắt ngang qua 4 quả đồi, sau đó tới một con hào rộng chừng 1 mét, bà Mẩy bắc 3 thanh gỗ to cỡ cổ tay để làm một chiếc cầu nhỏ tạo thành lối đi lại rồi từ đó theo con đường trong khu nghỉ dưỡng ra đường lớn. Đó cũng chính là con đường mà con dâu bà Mẩy đã đi để giải thoát cho chính mình.

Vậy những đứa trẻ ở lại sẽ như thế nào khi người phụ nữ rời đi khỏi một mái nhà không hạnh phúc? Trường hợp của gia đình em Yến, xã Cốc Ly (Bắc Hà) là một ví dụ điển hình. Yến được sinh ra khi mẹ của mình mới 17 tuổi, cùng với 5 chị em khác sống tại một ngôi làng nghèo. Yến được 14 tuổi, mẹ Yến bỏ đi bởi không chịu được người chồng vũ phu, không chịu làm ăn. Mẹ Yến sang Trung Quốc làm thuê rồi kết hôn với một người đàn ông khác. Những đứa em của Yến, đứa sống cùng bà nội, đứa sống cùng bà ngoại, đứa được mẹ đem theo, còn 2 đứa nhỏ nhất sống cùng Yến và người bố thường xuyên say xỉn. Yến kể: Có lần bố em buộc dây, treo em lên trần nhà chỉ vì em lỡ tay làm vỡ một chiếc phích. Trước khi bỏ đi, mẹ em có thu về được 30 bao thóc để nhà, bố em cũng đem đi bán hết, còn đòi bán hết ruộng vì bố em bảo “mua rượu mà uống chết đi mới sướng đời”. Cứ mỗi lần say rượu bố lại đánh bọn em”.

18 tuổi, Yến đi lấy chồng, 2 đứa em không còn ai thay mẹ chăm nom, mỗi lần đi học về lại la cà nhà hàng xóm, may mắn được giữ lại ăn cơm thì no bụng, nếu không lại nhịn đói về nhà, bố không say rượu thì mới có cơm ăn. Chính bản thân của cô gái 18 tuổi ấy cũng rơi vào vòng luẩn quẩn như mẹ của mình. Yến chia sẻ rằng: Chồng em đánh em. Lúc em có bầu, chồng đánh em tổng cộng 3 trận lớn đến nỗi em bị động thai. Giờ con em còn nhỏ quá (4 tháng tuổi), nếu không em sẽ bỏ đi Trung Quốc, không sống với nó nữa.

Các mẹ bỏ đi để lại những đứa trẻ cứ thế mà hoang dại lớn lên.

Các mẹ bỏ đi để lại những đứa trẻ cứ thế mà hoang dại lớn lên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, số liệu về trẻ em có mẹ bỏ đi khỏi địa phương không phải một trong những bộ chỉ số được thống kê về trẻ em bởi đây không phải đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội. Thế nhưng trên thực tế, những đứa trẻ này lại chịu rất nhiều thiệt thòi do không được quan tâm, chăm sóc, thậm chí có những em nhỏ bị bạo hành, bỏ rơi không nơi nương tựa, sống phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương. Những đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ cứ thế mà hoang dại lớn lên, tự mình trưởng thành mà không có sự uốn nắn, giáo dục tốt nhất từ gia đình. Sự ra đi của những người đàn bà không hạnh phúc không khiến gia đình đó hạnh phúc hơn, không thể khiến những người đàn ông, những người lớn có thể thay đổi, nhưng sự tổn thương để lại cho những đứa trẻ thì vĩnh viễn không thể xóa nhòa được.

Những đỉnh núi tưởng chừng yên bình trở nên đáng sợ, trở thành nỗi ám ảnh, trở thành nguyên do để những phụ nữ có thể tìm lý do trốn chạy. Do núi cao nên quanh năm chẳng thể đi đâu xa, chẳng thể biết thế giới ngoài kia dài rộng thế nào, chỉ cần có người vẽ nên một viễn cảnh tương lai tươi sáng ở phía bên kia biên giới là có thể nhẹ dạ mà gật đầu đi theo. Do núi thì cao mà bản làng thì nhỏ, chạy đi đâu cũng ám ảnh bởi những định kiến đặt lên vai những người phụ nữ không hạnh phúc. Mỗi người một hoàn cảnh, một lý do, sau “dông bão” trong cuộc sống gia đình, họ không thể tiếp tục chung sống dưới một mái nhà, không thể cùng nhau bám lấy đỉnh núi an yên đi qua ngày tháng. Những cuộc ra đi ấy xuất phát từ mâu thuẫn dai dẳng trong gia đình, từ sự khó khăn về kinh tế, là nạn nhân của bạo lực, định kiến về phụ nữ trong cuộc sống sau hôn nhân. Có người đáng thương, có người đáng giận, có những người vừa đáng thương lại vừa đáng giận. Định kiến cao như núi, nỗi đau cũng nặng như núi, để rồi đến bước đường cùng, những người đàn bà không thể vùng lên, mà lặng lẽ tìm cách trốn chạy. Họ đi đâu, ngôi nhà họ bỏ lại sẽ thế nào khi thiếu bàn tay của người phụ nữ, phải làm sao để giữ họ lại?… Đó là những câu hỏi mà các ngành, các địa phương đang loay hoay tìm đáp án.

* Tiếng Mông, “Nả” nghĩa là mẹ.

Thúy Phượng - Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/cuoc-tron-chay-khoi-nhung-dinh-nui-bai-1-na-oi-z62n20191018111912436.htm