Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam': Những chuyển biến tích cực
Tại Bình Thuận, Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' trong tình hình mới tiếp tục được quan tâm triển khai và từng bước tạo chuyển biến tích cực…
Năm nay các ngành, đoàn thể, địa phương vẫn chú trọng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Nhờ đó góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, người sản xuất cũng như tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Với công tác này, trong nửa đầu năm nay, Sở Công Thương đã có cuộc thanh tra chuyên ngành trên lĩnh vực xăng dầu ở 10 đơn vị kinh doanh, phân phối xăng dầu tại địa phương. Mặt khác cũng tiến hành kiểm tra đột xuất, giám sát tình hình cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng dầu ở hơn 50 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Bình Thuận. Ngoài ra, còn phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng chục cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý 5 cơ sở vi phạm... Cùng thời gian, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến thanh tra ở hơn 150 cơ sở về an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, qua đó xử phạt 55 cơ sở vi phạm. Riêng Cục Quản lý thị trường Bình Thuận kiểm tra hơn 400 trường hợp (phát hiện 160 vụ vi phạm), tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành các huyện - thị kiểm tra nhiều cơ sở về an toàn thực phẩm…
Song song với việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thì công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm... vẫn được các sở, ngành chức năng đẩy mạnh triển khai. Theo đó, Sở Công Thương đã vận động, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - VIETNAM EXPO năm 2022 (tổ chức tại Hà Nội), Hội chợ Triển lãm thương mại sản phẩm nông nghiệp nông thôn, OCOP Trà Vinh năm 2022. Tiếp tục phối hợp các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hoặc sản phẩm đặc trưng thế mạnh của Bình Thuận tham gia Sàn thương mại điện tử ngành Công Thương… Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho 100 cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp. Quan tâm hỗ trợ cho một số cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, hoàn thiện kết nối 1 chuỗi sản phẩm hải sản khô với sản lượng 1.500 tấn/năm.
Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác thông tin, tuyên truyền cuộc vận động trong tình hình mới. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực ngành Công Thương cũng như quan tâm đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương…
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh thì việc kiểm tra, kiểm soát thị trường đã được triển khai thường xuyên nhưng hiện vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành, làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt có chất lượng cũng như giảm niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy trong nửa cuối năm 2022, địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là với vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng nhái nhãn mác…