Cuối năm 2022, công ty shark Thủy vay BIDV hơn 600 tỷ đồng

Năm 2017, Egroup công bố hợp tác chiến lược với BIDV nhằm mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam.

Theo báo cáo năm 2022, BIDV là chủ nợ lớn nhất của Apax Holdings. Ảnh: Hoàng Anh

Theo báo cáo năm 2022, BIDV là chủ nợ lớn nhất của Apax Holdings. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), chủ tịch Tập đoàn Egroup vừa bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại thời điểm bị bắt, ông Thủy vẫn đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Apax Holdings, một thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái Egroup. Đây là thành viên duy nhất thuộc Egroup đã niêm yết trên HOSE nhưng đã bị hủy niêm yết năm ngoái.

Lần cuối cùng Apax Holdings công bố báo cáo tài chính là báo cáo chưa kiểm toán năm 2022. Báo cáo năm 2022 cũng “hé lộ” tình hình tài chính, đặc biệt những khoản vay của Apax Holdings với các ngân hàng.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Apax Holdings là gần 4.600 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính là 785 tỷ đồng. Đáng kể nhất trong số các chủ nợ của Apax Holdings là ngân hàng BIDV với dư nợ hơn 600 tỷ đồng.

Năm 2017, Egroup công bố hợp tác chiến lược với BIDV nhằm mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn thị trường công nghệ giáo dục Việt Nam. Đây cũng là thời điểm 2 bên bắt đầu phát sinh quan hệ tín dụng.

Khởi đầu bằng việc BIDV cấp khoản vay 150 tỷ đồng cho Apax Holdings để triển khai dự án "Đầu tư mới 50 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn của Apax". Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có của dự án, bất động sản và 25 triệu cổ phần IBC của Apax Holdings.

Đến năm 2019, Apax Holdings tiếp tục vay BIDV gần 150 tỉ đồng để cho vay, bảo lãnh thanh toán, mở L/C (thanh toán bằng thư tín dụng) để thanh toán các chi phí thực hiện dự án "Đầu tư mới 45 trung tâm dạy tiếng Anh theo tiêu chuẩn Apax".

Khoản vay có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất kỳ hạn đầu là 9,5%, các kỳ hạn sau bằng lãi suất tiền gửi 24 tháng tại BIDV cộng biên độ 3,5%/năm.

Tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư của dự án 45 trung tâm, thế chấp bổ sung quyền khai thác kinh doanh các trung tâm Anh ngữ do BIDV tài trợ vốn, đảm bảo chung bằng 10 triệu cổ phần IBC của Apax Holdings hiện được cầm cố cho dự án 50 trung tâm năm 2017.

Đến năm 2020, BIDV tiếp tục cấp cho Apax Holdings khoản vay hạn mức 400 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo lãnh thanh toán, mở L/C. Tài sản đảm bảo là 3 xe ô tô, bất động sản của Công ty CP Anh ngữ Apax và của các cá nhân liên quan.

Tính đến cuối năm 2022, riêng nợ vay ngắn hạn Apax Holdings nợ BIDV là 558 tỷ đồng và nợ dài hạn 51,5 tỷ đồng, chiếm 77% nợ vay của đơn vị này.

Vay nợ nhiều đẩy mạnh chi phí tài chính cho Apax Holdings. Năm 2022, chi phí lãi vay của công ty tăng lên 161 tỉ đồng, cùng các loại chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp khiến công ty lỗ 81 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi niêm yết.

Sau khi Shark Thủy bị bắt, Egroup đã ra thông cáo cho biết ông Thủy đã tiến hành ủy quyền điều hành Egroup và Công ty CP Đầu tư và phân phối Egame cho bà Nguyễn Thị Dung. Ông Thủy cũng chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tại 2 doanh nghiệp này cho bà Dung.

Egroup cũng cho biết sẽ đảm bảo hoạt động ổn định các đơn vị thành viên, đảm bảo quyền lợi học tập của các học viên, các khách hàng, đối tác và cổ đông.

Trong khi đó, Công ty CP Anh ngữ Apax, quản lý chuỗi trung tâm Apax Leaders, cho biết trong thời gian điều tra sẽ tạm dừng việc xác nhận học phí và công nợ học phí, tạm ngừng hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cuoi-nam-2022-cong-ty-shark-thuy-vay-bidv-hon-600-ty-dong-1711528398643.htm