Cuối năm cảnh giác cao 'bà hỏa'
Việc phòng 'bà hỏa' phải thường xuyên. Nhưng dịp cuối năm trời hanh, vật khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng cao... dễ gây quá tải, nên càng phải nâng cao mức độ đề phòng nguy cơ cháy nổ.
Chỉ trong 3 ngày từ 18-20/12 đã liên tiếp xảy ra 8 vụ cháy ở một số tỉnh, thành phố.
Dư luận ít ngày nay xôn xao về vụ cháy ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Do mâu thuẫn cá nhân, một đối tượng 51 tuổi đã mua xăng đốt quán quán cà phê. Vụ cháy đã tước đi sinh mạng của 11 người vô tội.
Một vụ cháy khác xảy ra tại căn nhà 4 tầng trên địa bàn phường 12, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) khiến 2 người chết, hơn chục người khác bị thương. Căn nhà này rộng chừng 60 m2, được ngăn thành hơn chục phòng trọ nhỏ, tầng dưới để xe máy.
Trong năm 2024, cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn nhỏ khác, cướp đi sinh mạng, hủy hoại tài sản của nhiều gia đình, tổ chức...
Mặc dù cơ quan chức năng liên tiếp thông báo, khuyến cáo, triển khai diễn tập phòng chống cháy nổ. Song cháy vẫn xảy ra.
Từ đâu nên nỗi?
Từ sự chủ quan, lơ là, từ tâm lý điên cuồng của những kẻ phóng hỏa máu lạnh, từ những lỗ hổng trong quản lý...
Những ngày cuối năm, cận Tết, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí đều gia tăng, từ đó kéo theo nhu cầu sử dụng điện cao.
Trong các gia đình, những thiết bị sưởi ấm như đèn, quạt sưởi được sử dụng nhiều do trời lạnh. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề đều tăng ca, tăng cường sản xuất để kịp đơn hàng Tết. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng điện nhiều nơi không còn bảo đảm, dễ quá tải, gây chập, cháy hệ thống điện.
Năm hết, Tết đến, những cuộc vui thường có chén rượu, cốc bia, rồi có khi "rượu vào lời ra", xảy ra mâu thuẫn. Không chỉ “giải quyết” bằng nắm đấm, gây mất an ninh trật tự mà còn có những kẻ điên rồ máu lạnh như kẻ đã phóng hỏa quán “hát cho nhau nghe” đêm 18/12. Kẻ gây tội ác tày trời sẽ phải chịu hình phạt thích đáng, nhưng nỗi đau của những người mất người thân, của xã hội đến bao giờ nguôi?
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán "hát cho nhau nghe" là loại hình biến tướng của karaoke cũng làm dấy lên những lo ngại về công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này.
Những hình thức như "hát cho nhau nghe" hoặc các loại hình khác như cà phê ca nhạc, phòng thu âm, hay quán ăn kết hợp dịch vụ ca nhạc nếu có hoạt động hoặc hành vi tương tự với dịch vụ karaoke, cần được coi là những hoạt động mang tính chất dịch vụ thuộc phạm vi quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Việc áp dụng các quy định về an toàn, bao gồm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình vừa nêu cần được thực hiện dựa trên sự tương đồng trong tính chất và hoạt động với dịch vụ karaoke.
Mọi người đều cần trang bị một số kiến thức cơ bản nhất định phòng ngạt khói, ngạt khí, thoát hiểm khi xảy ra cháy. Nguyên tắc quan trọng nhất trong hoàn cảnh đó là phải giữ một trạng thái bình tĩnh để ứng phó sáng suốt.
Cảnh giác, đề phòng cháy nổ là việc thường xuyên, liên tục. Đây là trách nhiệm của mỗi người.
Không khí đón chào năm mới đang đến gần, thời điểm này, mỗi người càng phải nâng cao cảnh giác. Với “bà hỏa” thì phòng hơn chống, bởi khi ngọn lửa đã ngùn ngụt cháy, nó sẽ nuốt chửng bất kể thứ gì.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cuoi-nam-canh-giac-cao-ba-hoa-401183.html