Cuối năm, cuộc gọi rác lại 'dội bom' người dùng
Cuộc gọi mời mua bất động sản, tư vấn chứng khoán, bảo hiểm… liên tục 'dội bom' người dùng dịp cuối năm.
Chị Phương Hoài (nhân viên văn phòng trên đường Lạc Long Quân) cho biết: “Cuộc gọi rác không hề thuyên giảm, gần đây lại càng nhiều. Có những lúc cuộc gọi vào máy của tôi vừa kết thúc thì máy của đồng nghiệp bên cạnh cũng đổ chuông. Nội dung, giọng nói giống y chang nhau”.
Theo chị Phương Hoài, các cuộc gọi này chủ yếu tư vấn chứng khoán, mời mua bảo hiểm, bất động sản, gói nghỉ dưỡng…
Khó chịu, bất bình với cuộc gọi rác, anh Quốc Trường (Long Biên, Hà Nội) cũng cho hay: “Có ngày tôi nhận gần chục cuộc gọi rác, chủ yếu vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Nhiều cuộc gọi đến xong cho nghe nhạc tự động. Một số cuộc khác cảm giác như AI đang nói chuyện tự động với mình”.
Theo anh Quốc Trường, các cuộc gọi định danh khó hiểu hoặc không được định danh vẫn diễn ra hàng ngày, không thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Lấy ví dụ cụ thể, chiều 12-12, anh Quốc Trường nhận được liên tiếp 2 cuộc gọi từ số máy 0936213338, trong đó có 1 cuộc người dùng bật máy thì chỉ nghe nhạc tự động.
Điện thoại của người dùng này cũng ghi nhận nhiều cuộc gọi rác khác từ các số: 099500566, 02888852076, S. HOANGGIA, 0907100619…
Theo ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam (NCS), việc người dùng bị cuộc gọi rác quấy rối, lừa đảo trực tuyến phần lớn xuất phát từ việc bị lộ lọt dữ liệu cá nhân.
"Tình trạng lộ lọt dữ liệu của người dùng tại Việt Nam đã ở mức báo động. Năm 2023, Bộ Công An đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu các vụ việc có liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân. Nghiêm trọng hơn, các dữ liệu này đã được rao bán trên các diễn đàn, thậm chí rao bán trên cả trên cả các hội nhóm Telegram. Theo đó, chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng là có được dữ liệu cá nhân của một người thông qua số điện thoại liên lạc"- ông Vũ Ngọc Sơn nói.
Theo chuyên gia của NCS, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến lộ lọt dữ liệu tại Việt Nam, nguyên nhân thứ nhất là do các hệ thống thu thập, lưu trữ thông tin người dùng nhưng không đảm bảo an ninh, từ đó bị tin tặc (hacker) xâm nhập lấy cắp dữ liệu hoặc bị nhân viên chủ động bán ra ngoài thu lợi bất chính. Nguyên nhân thứ 2 là do người dùng chủ quan, bất cẩn tự mình lộ lọt thông tin trên mạng hoặc trên các website mua bán trực tuyến.
Sim rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023.
Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng DeepFake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.
Theo thống kê, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lừa “việc nhẹ, lương cao”, lừa đầu tư chứng khoán, đầu tư ngoại hối lãi khủng, giả mạo người thân, bạn bè gặp tai nạn, giả mạo công an, cán bộ thuế lừa cài app giả mạo chiếm quyền điều khiển điện thoại. Nhiều trường hợp nạn nhân đã bị mất những khoản tiền rất lớn, lên đến cả tỷ đồng.
Điều đó cho thấy cuộc gọi, tin nhắn rác gây phiền nhiễu cho khách hàng vẫn là “vấn nạn” chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Không những vậy, nhiều cuộc gọi rác với nội dung lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cũng xuất phát từ đây, biến nhiều người trở thành nạn nhân.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trung bình mỗi tháng các các doanh nghiệp viễn thông chặn, khóa 31 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Trong 6 tháng đầu năm 2023 các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện chặn 291 triệu tin nhắn rác.
Để ngăn chặn, đẩy lùi cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo, sắp tới Bộ TT-TT sẽ đẩy mạnh hơn việc triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ triển khai một số cuộc thanh tra chuyên đề về đảm bảo an toàn thông tin người dùng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý thông tin người dùng số lượng lớn như: doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng… các doanh nghiệp kinh doanh bằng phương thức gọi điện bán hàng (telesale), các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình chuỗi có thu thập thông tin người dùng nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng thu thập, sử dụng, xử lý dữ liệu người dùng không đúng pháp luật.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoi-nam-cuoc-goi-rac-lai-doi-bom-nguoi-dung-post560976.antd