Cuối năm lao đao, U60 sống bám nghĩa trang, Tết định đến nhà bạn 'ăn ké'

Cuối năm lao đao vì thất nghiệp, người đàn ông U60 vào nghĩa trang dựng chòi tôn, sống cùng những ngôi mộ. Tết này, ông định đến nương nhờ nhà bạn bè.

Sống bám nghĩa trang

Trời trưa nắng gắt. Bụi đá từ phần đường đang được thi công phía trước nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) bốc lên khiến ông Nguyễn Thanh Hùng (54 tuổi) cay mắt.

Ông rời khỏi xe, đi sâu vào bên trong nghĩa trang tìm nước rửa mặt. Đi vòng qua nhiều hàng mộ nhuốm màu thời gian, ông đến căn chòi nhỏ được quây 4 phía bằng những tấm tôn cũ.

Căn chòi lọt thỏm giữa những ngôi mộ lớn, ốp đá hoa cương. Đây là nơi ông Hùng ngủ tạm vào ban đêm suốt 5 tháng vừa qua. Trước đó, ông sống trong căn chòi ở phần đất nghĩa trang tiếp giáp với mặt đường Tân Kỳ Tân Quý.

Thế nhưng sau khi nghĩa trang giải tỏa, đường được mở rộng, căn chòi của ông không còn. Không có tiền thuê nhà trọ, ông đánh liều đến xin chủ đất có ngôi mộ lớn nằm sâu bên trong nghĩa trang dựng chòi ở tạm.

Căn chòi của ông Hùng khuất sau ngôi mộ lớn, ốp đá hoa cương

Căn chòi của ông Hùng khuất sau ngôi mộ lớn, ốp đá hoa cương

Căn chòi của ông Hùng được dựng tạm bằng tôn cũ, trùm lên một ngôi mộ lớn. Bên trong, ông đặt chiếc giường sắt cũ làm nơi ngủ, nghỉ mỗi đêm.

Mỗi khi nằm hoặc ngồi trên giường, ông đều phải hướng mặt về phía bia mộ bên trong. Do vậy, ông lấy tôn, vải, vật dụng không dùng đến che ngôi mộ này lại như một cách tôn trọng người quá cố.

Ông Hùng nói: “Tôi đã sống bám nghĩa trang Bình Hưng Hòa hơn 10 năm nay nên đã quen và không sợ gì nữa. Ở đây, tôi chưa thấy chuyện tâm linh gì ngoài việc chứng kiến những cảnh tượng đáng sợ từ người nghiện ma túy.

Trước đây, nghĩa trang này nổi tiếng là điểm đen về ma túy. Người nghiện đến đây hút, chích ma túy mỗi ngày, mỗi đêm. Tôi thường xuyên thấy cảnh người ta chích ma túy rồi sốc thuốc, tử vong tại chỗ.

Đáng sợ hơn là cảnh có người đến nghĩa trang tự tử. Có lần tôi tận mắt chứng kiến một nam thanh niên chạy xe máy vào nghĩa trang rồi tưới xăng tự thiêu. Tiếng la hét, tiếng lửa cháy khiến tôi ám ảnh đến bây giờ”.

Sống bám nghĩa trang, nhưng ông Hùng không làm nghề quét dọn, vệ sinh mộ phần. Trước đây, ông theo người ta đi phụ hồ. Công việc này giúp ông có thu nhập để trang trải cuộc sống và gửi về quê giúp vợ cũ đang nuôi con ăn học.

Sau nhiều lần gặp tai nạn lao động bị gãy vai, chấn thương cột sống, ông không thể tiếp tục theo nghề. Để mưu sinh, ông chạy xe ôm truyền thống, chạy ba gác thuê.

Ông Hùng sử dụng nhiều vật dụng để che đi mộ phần bên trong căn chòi tạm

Ông Hùng sử dụng nhiều vật dụng để che đi mộ phần bên trong căn chòi tạm

Lao đao

Dẫn khách vào căn chòi được dựng lên từ những vật dụng người khác cho hoặc nhặt về từ bãi rác, ông Hùng ngán ngẩm nói chưa bao giờ mình phải đối mặt với nhiều khó khăn như bây giờ. Trước đây, dịp cận Tết, ông tất bật với những chuyến chở hàng, chở khách.

Thu nhập từ những ngày giáp Tết cũng vì thế mà tăng cao, giúp ông có tiền gửi về quê, mua thêm thuốc chữa bệnh. Nhưng giờ, dù tết Nguyên đán đã cận kề, ông vẫn phải đối mặt với cảnh ăn bữa nay lo bữa mai.

Ông cho biết: “Ngoài chạy xe ôm, tôi còn chạy ba gác chở thuê cho người ta. Nhưng cuối năm rồi mà ế lắm. Có khi 3-4 ngày tôi mới có một cuốc xe ôm, chuyến xe ba gác chở hàng.

Bây giờ, tôi có gì chạy đó, ai gọi là đi nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với xe ôm công nghệ. Trước đây, đa phần tôi có thu nhập từ khách mối. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, ai cũng thắt lưng buộc bụng.

Những người khách của tôi bây giờ đa phần đều tự đi xe hoặc nhờ con cháu chở đến nơi cần đến. Vì thế, có hôm tôi không thu được đồng nào”.

Tết này, ông định sẽ ăn cơm tiệm hoặc nương nhờ nhà người quen.

Tết này, ông định sẽ ăn cơm tiệm hoặc nương nhờ nhà người quen.

Trong tình thế ngặt nghèo, ông Hùng chọn cách tiết kiệm tối đa. Mỗi ngày, ông chỉ ăn 2 bữa sáng, chiều.

Buổi sáng, ông thường ăn một gói mì tôm lót dạ. Đến chiều, ông mua hộp cơm để ăn cho qua bữa. Hôm nào có khách đi xe, có thu nhập, ông mua ít gạo để dành.

Nhắc đến chuyện đón Tết, mặt ông Hùng buồn thấy rõ. Ông nói Tết là khái niệm dành cho người có thu nhập. Còn mình, ông chỉ mong có thể tích góp được chút tiền để ăn cơm vào những ngày Tết.

Ông dự tính, Tết này, sau đêm 30 sẽ đóng cửa ở trong chòi tôn đến hết mùng 1. Sau đó, ông đem xe ra vỉa hè ngồi đợi xem có ai thuê mình hay không.

Ông tâm sự: “Bây giờ, với tôi có cơm ăn là may mắn rồi nên không nghĩ đến việc sắm Tết. Năm nay, tôi ăn cơm tiệm. Nếu tiệm cơm đóng cửa, tôi sẽ đến nhà bạn bè ăn ké”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoi-nam-lao-dao-u60-song-bam-nghia-trang-tet-dinh-den-nha-ban-be-an-ke-2238700.html