Cuối năm, Thủ đô có hơn 200 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có khoảng 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm.
234 điểm nguy cơ ùn tắc cuối năm
Ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đảm bảo công tác trật tự an toàn giao thông trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024, Sở GTVT TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông. Theo rà soát, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 234 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông dịp cuối năm.
Theo đó, để giảm tải ùn tắc giao thông Sở GTVT TP Hà Nội giao Thanh tra giao thông (TTGT) chủ trì phối hợp với công an thành phố xây dựng kế hoạch, tại vị trí "nóng" nhất là khu vực cửa ngõ phía Nam, thực hiện phân luồng từ Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với các phương tiện vào nội đô hoặc đi qua Hà Nội để sang các địa phương khác.
Tại các cửa ngõ ra/vào khác của thành phố cũng đã chỉ đạo các lực lượng ở Hà Nội phối hợp với Thanh tra Giao thông và lực lượng tại các địa phương lên phương án thực hiện phân luồng từ xa.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2024, tại Hà Nội vấn đề cần lưu ý nhất là ùn tắc nội đô và trên đường vành đai nếu không giải quyết được vấn đề này, dẫu có nhiều phương tiện đến mấy cũng không thể di chuyển vào các bến xe kịp thời để đón khách.
Nhấn mạnh khu vực cửa ngõ phía Nam là điểm "nóng" của Hà Nội dịp lễ, tết, bà Hiền đề nghị Hà Nội rà soát, xem xét có cần bổ sung thêm giải pháp tổ chức giao thông ở khu vực này hay không, lưu ý tổ chức theo phương án phân loại phương tiện, ưu tiên tuyến chính cho xe khách, xe tải trọng lớn vì các tuyến đường gom các xe này đi vào sẽ dẫn đến quá tải; xem xét một số tuyến đường nội đô, nội khu trước đây cấm xe liên tỉnh, có thể trong thời điểm nhất định như dịp Tết cho phép các xe này hoạt động.
Đề nghị xây dựng nhóm phản ứng nhanh
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Hà Nội đã thống kê, xác định các điểm tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, tới đây, cần phân loại mức độ và có các phương án xử lý phù hợp.
Đặc biệt, lưu ý tổ chức giao thông tại cửa ngõ phía Nam (đường Pháp Vân - Cầu Giẽ), khu vực đường Cổ Linh hướng các phương tiện ra/vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đặc biệt là đường Vành đai 3 trên cao thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Lấy ví dụ ông Hùng cho biết, tại TP HCM đã xây dựng nhóm phản ứng nhanh với sự tham gia của nhiều lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, kết hợp với trung tâm điều hành giao thông đô thị đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý các sự cố về giao thông trên địa bàn.
Do đó, ông Hùng đề nghị Hà Nội cần xem xét xây dựng một nhóm phản ứng nhanh như thế. Trong đó có sự tham gia của Sở GTVT, Công an thành phố, TTGT, CSGT, Khu quản lý đường bộ I, các doanh nghiệp dịch vụ cứu hộ; phân công rõ nhiệm vụ của từng lực lượng ngay từ đầu, thông qua hệ thống camera giao thông lắp đặt dọc các tuyến đường do các đơn vị này quản lý kịp thời phát hiện các sự cố giao thông và ngay lập tức có sự trao đổi trong nhóm để lên phương án nhanh chóng xử lý, đảm bảo giao thông được thông suốt, thuận lợi cho người dân đi lại.
Đối với việc phân luồng giao thông, ông Hùng nhấn mạnh cần lên phương án từ sớm, tham khảo đề xuất, kiến nghị của các bến xe, các lực lượng để điều tiết phương tiện vào các đường gom sao cho hợp lý ở từng thời điểm, đặc biệt ở khu vực cửa ngõ phía Nam.
Tại các vị trí sẽ bắn pháo hoa đêm Giao thừa của thành phố, bên cạnh phương án tổ chức giao thông cần quan tâm đảm bảo an ninh an toàn cho người dân.