Cuối tháng 7, lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp

Chiều 18/7, Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị báo cáo về tình hình sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Đỗ Đức Hiển cho biết, đến nay Vụ đã tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo chung về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp. Dự kiến các hoạt động trong thời gian tới, ông Hiển nêu kế hoạch tổ chức hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Báo cáo (cuối tháng 7) để chỉnh lý báo cáo Lãnh đạo Bộ trước khi trình Chính phủ.

Vụ trưởng Đỗ Đức Hiển báo cáo tình hình

Vụ trưởng Đỗ Đức Hiển báo cáo tình hình

Đại diện các đơn vị đều cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Vụ trong quá trình tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo, đồng thời đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện hơn nữa.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải đề nghị bổ sung nội dung về phát triển án lệ.

Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Hải đề xuất bổ sung nội dung phát triển án lệ

Phó Vụ trưởng Nguyễn Hồng Hải đề xuất bổ sung nội dung phát triển án lệ

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc đề cao vai trò của các Báo cáo này, là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ Đại hội Đảng sắp tới nên cần rà soát 4 nhóm nội dung báo cáo. Về đề xuất các giải pháp, theo ông Quốc, nên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục phổ biến, tổ chức thi hành Hiến pháp hiệu quả. Về phụ lục, cần lượng hóa để báo cáo ngắn gọn mà vẫn đầy đủ.

Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương và Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hoàng Xuân Hoan cùng nêu những tác động tích cực của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, qua đó đề xuất cần đánh giá sâu hơn nữa về điều khoản này.

Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận cuộc họp

Bộ trưởng Lê Thành Long kết luận cuộc họp

Nhắc lại yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung báo cáo, Bộ trưởng đề nghị, ngay từ đầu cần nêu rõ phạm vi báo cáo chỉ tập trung vào 4 nội dung gồm tuyên truyền phổ biến Hiến pháp; rà soát văn bản phù hợp với Hiến pháp; đánh giá về tổ chức bộ máy và các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp.

Mỗi nội dung cần làm đậm nét những điểm sáng, những thành quả đạt được, chỉ ra đâu là tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, cần viết cụ thể hơn nữa về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới…

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/cuoi-thang-7-lay-y-kien-vao-du-thao-bao-cao-so-ket-5-nam-trien-khai-thi-hanh-hien-phap-462105.html