Cười Xuyên Biên Giới: Tràn ngập 'vitamin cười' nhưng không phải phim hài vô tri
Dù sở hữu đủ các yếu tố mang lại những tràng cười sảng khoái cho khán giả, 'Cười Xuyên Biên Giới' không chỉ là một bộ phim hài giải trí đơn thuần. Tác phẩm đã khéo léo lồng ghép những thông điệp ý nghĩa, gợi mở suy tư mang tầm vóc lớn lao trong vấn đề bảo vệ di sản văn hóa và môi trường.
* Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim
Cười Xuyên Biên Giới (tên tiếng Anh: Amazon Bullseye) kể về Jin-bong (Ryu Seung Ryong thủ vai), một cựu vận động viên bắn cung từng đoạt huy chương Olympic, hiện lui về làm nhân viên văn phòng bình thường để duy trì kinh tế nuôi sống gia đình.
Với tác phong làm việc trễ nải, Jin-bong dẫn đầu danh sách cắt giảm nhân sự của công ty. Muốn trụ lại, anh buộc phải nhận lời cấp trên đến quốc gia Bolledor xa xôi, nơi họ đang tìm kiếm một huấn luyện viên bắn cung để chuẩn bị cho kỳ thi đấu quốc tế sắp tới. Nếu dự án thành công, công ty anh sẽ nhận được quyền khai thác vàng ở vùng đất kia, Jin-bong cũng sẽ được thưởng hậu hĩnh,
Chuyến đi đến đất nước xa xôi bất ngờ vướng sự cố khi trực thăng chở Jin Bong gặp bão, khiến anh rơi xuống khu rừng Amazon. Dù may mắn sống sót sau tai nạn, Jin Bong lại gặp phải nhiều nguy hiểm khác và chạm trán bộ tộc thổ dân bản địa.
Những thước phim giải trí nhẹ nhàng
Với thời lượng 113 phút, Cười Xuyên Biên Giới được cài cắm khá dày các miếng hài, ngay từ những thước phim đầu tiên khi tiết lộ cuộc sống bế tắc hiện tại của nam chính, lúc nhân vật dấn thân vào cuộc phiêu lưu nơi rừng sâu ở nửa kia địa cầu đến khi dẫn theo bộ ba thổ dân Sika, Iva và Walbu trở lại quê nhà Hàn Quốc để huấn luyện cho cuộc thi bắn cung.
Ở giai đoạn nào, Jin-bong cũng phải đối mặt với nhiều tình huống trớ trêu. Biên kịch dùng sự khác biệt về văn hóa để đẩy anh nhân viên văn phòng vào những rắc rối không hồi kết, tạo những tình huống gây cười cho người xem.
Từ trước khi ra rạp, Cười Xuyên Biên Giới vốn cũng đã thu hút nhiều sự chú ý bởi phim sở hữu dàn diễn viên là những ngôi sao phim hài xứ sở kim chi như Ryu Seung Ryong, Jin Sun Kyu từng góp mặt trong Nghề Siêu Khó (Extreme Job) - phim hài có doanh thu cao nhất Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại, hay bộ đôi Go Kyoung Pyo và Lee Soon Won từ Bỗng Dưng Trúng Số - phim Hàn có doanh thu cao nhất tại Việt Nam vào năm 2022 với 177 tỷ đồng.
Thông điệp mang tầm vóc lớn
Ngoài những thước phim đem đến tiếng cười cho người xem, đứa con tinh thần của đạo diễn Kim Chang Ju còn mang một số thông điệp sâu xa, nổi bật nhất là lên án việc khai thác tài nguyên mà không quan tâm đến hệ lụy đối với thiên nhiên và các di sản văn hóa.
Dù đặt tên cho bộ tộc là Tagaruri, không nhắc gì đến các nhân vật và địa danh liên quan, nội dung phim vẫn gợi nhớ đến cuộc đấu tranh của người Yanomami, một trong những tộc thổ dân lớn nhất ở Amazon, những người đã chịu thiệt hại nặng nề từ việc khai thác vàng trái phép, đặc biệt là từ thập niên 1980. Các thợ mỏ, được gọi là garimpeiros, xâm lấn lãnh thổ của họ, gây ô nhiễm nguồn nước bằng thủy ngân và làm lây lan dịch bệnh.
Người Yanomami đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Survival International và Liên Hợp Quốc, dùng áp lực quốc tế và tiếng nói của đại chúng - dù các phương tiện truyền thông lúc bấy giờ chưa phát triển mạnh mẽ như thời đại trong phim - để lên tiếng nói bảo vệ lãnh thổ Yanomami.
Theo The Korea Herald, trong một cuộc phỏng vấn tại Seoul vào ngày 24/10, nam diễn viên Ryu Seung Ryong cũng cho biết anh muốn đóng vai chính trong Amazon Bullseye vì thông điệp mà bộ phim truyền tải.
“Bộ phim nói về mức độ đồng cảm của chúng ta đối với xã hội. Đó là câu chuyện về một người chồng, một người cha và một người đồng nghiệp, cũng như một thành viên cộng đồng ở bên kia thế giới. Tôi nghĩ dự án này, mặc dù là một bộ phim hài, nhưng có thông điệp quan trọng mà chúng ta cần cảm nhận”.
Ngoài ra, Cười Xuyên Biên Giới còn mang tinh thần vinh danh thể thao Hàn Quốc sau những thắng lợi tại Thế vận hội mùa Hè (Olympic) 2024 vừa qua, cũng như khai thác mặt tích cực và sức nặng của các phương tiện truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại, song thông điệp về bảo vệ môi trường và các di sản văn hóa bản địa vẫn là nổi trội hơn cả.
Luồng ý kiến trái chiều
Khai thác tài nguyên bất chấp những hệ quả kinh tế, xã hội, và môi trường không phải một đề tài mới với điện ảnh, khi Hollywood đã bắt đầu làm phim xoay quanh vấn đề này từ nhiều thập kỷ trước, như The Emerald Forest (1985), There Will Be Blood (2007) hay điển hình nhất là Avatar (2009).
Truyền tải một thông điệp có sức nặng vừa là ưu điểm, cũng vừa là thách thức với Amazon Bullseye. Nhiều cây bút phê bình quốc tế cho rằng phim thiếu chiều sâu, khi thông điệp này bị lu mờ bởi tính hài hước và bị đơn giản hóa, không tương xứng với độ nghiêm trọng của chủ đề.
Tuy không mấy được lòng giới chuyên môn phương Tây, Cười Xuyên Biên Giới vẫn được đón nhận rộng rãi tại thị trường nội địa và các nước châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam. Suy cho cùng, Amazon Bullseye vốn là một bộ phim thuộc thể loại hài kịch với vai trò chính là đem đến tiếng cười cho khán giả, nên vấn đề thông điệp không thể đặt ngang hàng với các tác phẩm hàn lâm khác.
Dù chưa hoàn hảo, Cười Xuyên Biên Giới nhìn chung làm tốt việc cân bằng các yếu tố giải trí và thông điệp xã hội, thể hiện được sự mở rộng tư duy đề tài trong địa hạt phim ảnh Hàn Quốc, và cũng là một tác phẩm đáng để ra rạp giải trí dịp cuối tuần.