Cuốn hút học sinh với đọc Rap, làm vè môn... Vật lí
Nhờ những đổi mới trong phương pháp dạy học, các thầy cô đã giúp những học sinh có điểm đầu vào thấp không ngừng tiến bộ, để sau 3 năm học, các em đã thực sự trưởng thành.
Sáng tạo giúp học trò yêu thích môn học
Ở trường THPT Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Thu Hương - tổ trưởng tổ chuyên môn được đồng nghiệp thán phục bởi có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới hiệu quả trong dạy học môn Vật lý, sáng tạo để những bài giảng luôn cuốn hút đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực theo định hướng STEM.
Cô luôn đi đầu trong các hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của tổ đồng hành sáng tạo giúp đồng nghiệp thay đổi, hỗ trợ các hoạt động đổi mới chuyên môn đến giáo viên nhà trường, xây dựng kịch bản tổ chức và hỗ trợ thực hiện các hoạt động giáo dục tập thể cho học sinh.
Trong công tác chuyên môn, cô luôn trăn trở với đối tượng học sinh đầu vào thấp làm sao để học sinh yêu thích môn học, đảm bảo được đầu ra và đáp ứng được phát triển năng lực, phẩm chất, tiếp cận được công nghệ. Từ những trăn trở đó cô liên tục học hỏi và thay đổi, thu nhận phản hồi và điều chỉnh.
Cô xây dựng các “tiết học hạnh phúc” để cuốn hút học sinh vào các hoạt động đa dạng. Trong các tiết học Vật lý, học sinh được đọc Rap, làm vè, làm thơ, thuyết trình, được chế tạo các sản phẩm từ vật liệu tái chế tham gia vào các cuộc đua, cuộc thi lí thú. Qua các giờ học Vật lí, học sinh không chỉ thêm yêu thích bộ môn, mà còn được rèn kĩ năng cũng như phát triển được năng lực, phẩm chất cá nhân.
Nhằm tạo môi trường để học sinh yêu thích bộ môn được trải nghiệm nhiều hơn, tiếp cận gần hơn đến kĩ thuật và công nghệ, cô giáo thực hiện dự án “Câu lạc bộ Vật lý”. Các học sinh tham gia câu lạc bộ vừa được tự mình tìm tòi, đề xuất, thực hiện ý tưởng, vừa được thực hiện các chuyên đề để tự tin tổ chức các hoạt động cho học sinh toàn trường tham gia trải nghiệm hoặc giải mã các bài toán, thực hiện các thí nghiệm hoặc chế tạo các sản phẩm.
Qua việc duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Vật lý đã giúp những học sinh yêu thích bộ môn có sân rộng hơn để thể hiện, các em đã dần chinh phục các sản phẩm công nghệ như chế tạo xe lập trình Board Arduino điều khiển Bluetooth, tiếp cận các cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học với sản phẩm “Đèn thông minh cảnh báo chống cận”.
Các thành viên câu lạc bộ luôn là thành viên ban tổ chức trong ngày hội Trải nghiệm sáng tạo của nhà trường và góc vật lý luôn hấp dẫn với các sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn. Hoạt động của Câu lạc bộ thúc đẩy các phong trào và hoạt động chuyên môn của tổ chuyên môn, đồng thời góp phần quan trọng trong thành công của ngày hội Trải nghiệm sáng tạo được tổ chức thường niên của nhà trường.
Trong công tác giáo dục học sinh, với vai trò giáo viên chủ nhiệm, cô áp dụng các cách quản lý lớp, tổ chức các hoạt động đa dạng hướng đến “Lớp học hạnh phúc”. Cô đã xây dựng được văn hóa riêng lớp học, đổi mới trong sinh hoạt lớp, họp phụ huynh theo hướng trải nghiệm, tổ chức đa dạng các hoạt động, lồng ghép giáo dục giá trị sống cho học sinh, là cầu nối giúp phụ huynh và học sinh thấu hiểu nhau hơn.
Sau quá trình học tập trong năm học, học sinh đều có thái độ tích cực về tập thể lớp, có cảm xúc hạnh phúc khi đến lớp, năng động và tự tin hơn, tham gia tích cực và đi đầu trong các hoạt động tập thể của trường, cũng như các kì thi học sinh giỏi, học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật.
Dạy miễn phí cho học trò nghèo
Với cương vị là người đứng đầu, thầy Nguyễn Duy Bỉnh- Hiệu trưởng Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội) luôn chủ động cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng chuyên môn, cải tiến cách quản lý để bám sát thực tiễn thường xuyên. Công tác giám sát, kiểm tra được thực hiện tốt thường xuyên, kịp thời điều chỉnh các kế hoạch phù hợp với tình hình.
Là trường có hơn 50 cán bộ, giáo viên, trong đó, có nhiều giáo viên nhà ở xa trường từ 40-50km. Do đó, nhiều giáo viên có nhu cầu được ở nhà công vụ để thuận tiện cho việc giảng dạy, công tác. Từ tình hình thực tế trên, thầy Bỉnh đã báo cáo cấp trên để bố trí kinh phí và triển khai xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên nhà trường
Công trình hoàn thành vào năm 2019 thực sự là niềm vui của thầy, cô giáo xa trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên trẻ phát triển tay nghề khi được nhà trường động viên quan tâm cả vật chất và tinh thần đến từng hoàn cảnh giáo viên, nhân viên trong nhà trường, quan tâm bồi dưỡng chế độ cho giáo viên ôn học sinh yếu kém.
Nhiều năm học qua, để nâng cao chất lượng học sinh yếu kém, thi tốt nghiệp, thầy Bỉnh đã tổ chức các buổi học phụ đạo buổi chiều miễn phí cho các em học sinh bị mất nền tảng từ lớp dưới, nhiều thầy cô đã tự nguyện dạy học tại nhà cho nhiều em học sinh gia đình nghèo, học lực yếu.
Bên cạnh đó, nhà trường đã phát huy tinh thần tự học, sáng tạo của mỗi giáo viên, phát huy được lòng yêu học trò, hết lòng vì học sinh thân yêu của mỗi thầy cô trong nhà trường. Xây dựng ngân hàng đề, câu hỏi để ôn thi tốt nghiệp cho các em học sinh. Các lớp ôn thi tốt nghiệp và phụ đạo cho HS yếu kém được thầy cô dạy và đồng hành cùng các em đến trước ngày thi.
Sau 8 năm thành lập, đến nay THPT Minh Quang thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của nhân dân của các xã vùng khó trên địa bàn huyện Ba Vì. Với sự tâm huyết của mình, thầy giáo Nguyễn Duy Bỉnh đã truyền cảm hứng, ngọn lửa nhiệt huyết và tinh thần công hiến tới toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường.
Những năm qua, nhà trường luôn chú trọng công tác định hướng và phân luồng học sinh hiệu quả. Nếu đầu vào lớp 10 môn Toán, tiếng Anh trên 90% điểm dưới Trung bình, 70% điểm dưới 3,5 và trên 40 % dưới 2,5 điểm thì sau 3 năm học và ôn thi TN đỗ 100%. Trong đó, gần 90% học sinh đủ điểm sàn các tổ hợp xét tuyển vào đại học. Tỉ lệ học sinh đạt từ 20 điểm trở lên: 48.8%.
So với kết quả thi tốt nghiệp của toàn Thành phố, đặc biệt là số học sinh đạt điểm 9,10, thì kết quả nhà trường chưa thực sự nổi bật. Tuy nhiên, với thực trạng giáo viên và học sinh của nhà trường thì đây là sự nỗ lực rất lớn của thầy và trò trường THPT Minh Quang.