Đền Cả được người dân làng Tú Viên xây dựng từ hàng trăm năm trước để thờ "Đức thánh Vận Hồ Đô thiên trấn quốc, Linh chiêu ninh thuận, lịch triều gia phong Thượng đẳng Đại vương". Xa xưa đền được lợp bằng tranh tre, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nay đền có 2 tòa hạ và thượng điện tọa lạc ở ngã ba làng Tú Viên. Ảnh: Huy Thư
Hạ điện của đền là một ngôi nhà gỗ lim 3 gian 2 hồi được dựng từ năm 1901 với kiến trúc vững chắc, điêu khắc đẹp, nổi bật với hồi văn 2 mái, thông thoáng. Ảnh: Huy Thư
Thượng điện của đền được xây dựng lại vào năm 1891 tuy diện tích khiêm tốn nhưng được trang trí, điêu khắc chạm trổ công phu. Ảnh: Huy Thư
Trên các kẻ trước của thượng điện được điêu khắc chạm trổ hình tứ linh, hoa sen, vân mây, sóng nước... sống động, uyển chuyển. Ảnh: Huy Thư
Vì giữa của thượng điện, trên các cột trốn, hòn kê, xà ngang... đều được điêu khắc chạm trổ. Dòng chữ ghi niên đại tu tạo đền vẫn còn rõ nét. Ảnh: Huy Thư
Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, sau nhiều lần trùng tu, khung gỗ thượng điện gần như bảo lưu một cách đầy đủ nghệ thuật điêu khắc nguyên thủy của đền. Ảnh: Huy Thư
Hai đầu dư của các cột giữa tạc 2 đầu rồng uy nghi hướng về bàn thờ trung tâm. Ảnh: Huy Thư
Tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ kính, đặc biệt trong thượng điện có thờ 1 chiếc kiệu rồng lớn, dài khoảng 6 m, cao khoảng 2,5m được chạm trổ tinh xảo. Kiệu rồng ngự gần trọn diện tích thượng điện đền Cả. Ảnh: Huy Thư
Với chiếc kiệu này, các đòn khiêng dọc, ngang đều là những "thân rồng", các tiểu tiết xung quanh kiệu cũng được trang trí hình rồng uyển chuyển. Trong ảnh: Hình cá chép chầu rồng trên kiệu cổ. Ảnh: Huy Thư
Theo bia dẫn tích dựng tại đền, trước Cách mạng Tháng Tám, đền là nơi hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng, là nơi treo cờ Đảng kêu gọi đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi tập trung quần chúng đi cướp chính quyền năm 1945. Trong chiến tranh, đền là trụ sở làm việc của ủy ban kháng chiến, là nơi đặt kho lương thực, vũ khí của quân và dân ta. Hiện bên trái đền còn có Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Từ xưa đến nay, đền Cả là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương. Ảnh: Huy Thư
Theo Huy Thư/Báo Nghệ An