Cuốn sách 'Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ': Kho tư liệu khổng lồ và quý giá
Tập hợp danh sách các anh hùng, liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của 53 tỉnh thành phố trên cả nước đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cuốn sách Anh hùng chiến sĩ Điện Biên là nén tâm hương tri ân đặc biệt tới các thế hệ đi trước.
Đồng thời, đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu bài bản, có hệ thống, với nguồn tư liệu tin cậy về chân dung các anh hùng, chiến sĩ chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đặc biệt, cuốn sách là nguồn tư liệu khổng lồ về các anh hùng, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… tham gia chiến dịch ở 53 địa phương trong cả nước.
NGUỒN TƯ LIỆU KHỔNG LỒ VÀ QUÝ GIÁ
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ. Cuốn sách là ấn phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện tình cảm và sự tri ân sâu sắc của các thế hệ người dân Việt Nam đối với công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh xương máu và tuổi thanh xuân cho chiến thắng vĩ đại này.
Theo Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên, 70 năm trôi qua, các chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến cứ ngày một ít đi. Cho đến ngày hôm nay, tại tỉnh Điện Biên chỉ còn 140 chiến sĩ Điện Biên Phủ và 9 thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch còn đang sinh sống đều đã trên dưới 90 tuổi. Trên khắp các tỉnh, thành cả nước, những anh hùng, chiến sĩ Điện Biên năm xưa cũng đều đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm”.
Nhằm tri ân các thế hệ đi trước, từ đầu năm 2023, Tỉnh ủy Điện Biên đã lên ý tưởng xây dựng cuốn sách đặc biệt, tập hợp danh sách các anh hùng, liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng tham gia vào chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh nhớ lại: Tháng 3/2023, Ban Thường vụ tỉnh ủy Điện Biên chính thức giao nhiệm vụ cho Hội Cựu chiến binh phối hợp cùng Ban tuyên giáo tỉnh nghiên cứu, triển khai nội dung ấn phẩm.
“Công việc khá gấp gáp. Nhận nhiệm vụ, ngay lập tức chúng tôi liên hệ với Hội cựu chiến binh các địa phương, đề nghị họ rà soát, cung cấp danh sách các cụ đã từng tham gia chiến dịch 70 năm về trước”, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư kể. Cùng với đó, ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh cũng khẩn trương làm việc với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật để lên ý tưởng thống nhất cho cuốn sách.
Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trước đây, đã có rất nhiều sách, báo, tài liệu viết về chiến dịch Điên Biên Phủ, tri ân về những con người đã tạo nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Tuy nhiên, mỗi cuốn sách đều còn “một mảnh khuyết, chưa thực sự đầy đủ”. Có cuốn công bố danh sách các về anh hùng Điện Biên Phủ, có cuốn lại liệt kê danh sách các liệt sĩ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tờ báo viết về Điện Biên Phủ nói chung, viết về từng nhân vật tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng còn rải rác, chưa có tính hệ thống.
Để giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ, toàn diện nhất có thể, nhóm biên soạn đã tiếp cận tư liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nguồn tư liệu do Hội Cựu chiến binh các địa phương cung cấp. Bên cạnh đó, còn cần phải kể đến các bản sách in phác họa chân dung những người chỉ huy, anh hùng chiến sĩ Điện Biên Phủ.
Là đơn vị chịu trách nhiệm với ấn phẩm từ giai đoạn đầu tiên tới khi xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã cố gắng sưu tầm, tổng hợp tư liệu, số liệu và thẩm định nội dung cuốn sách. Tuy nhiên, quá trình này gặp rất nhiều khó khăn do chiến tranh đã lùi xa, phần lớn các chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã không còn. Do đó, quá trình biên soạn cuốn sách, nhóm biên soạn phải đọc một khối lượng tài liệu rất lớn, có sự đối chiếu, so sánh, tổng hợp, lựa chọn... Việc đánh giá vai trò của mỗi nhân vật trong chiến dịch cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính trị, khoa học.
Bên cạnh đó, danh sách do các địa phương gửi về cũng không đồng nhất về trình bày; có nơi có bộ đội thì quên liệt sĩ; có nơi thiếu thanh niên xung phong hoặc dân công hỏa tuyến… Nhà xuất bản đã phải thực hiện 2 vòng xác minh: vừa liên hệ địa phương sở tại, vừa làm việc chéo với các Hội Cựu chiến binh để thống nhất.
LẦN ĐẦU TẬP HỢP DANH SÁCH HÀNG VẠN ANH HÙNG, CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN
Sau một thời gian khẩn trương triển khai, tới thời điểm hiện tại, cuốn sách đã được hoàn thiện và phát hành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024). Về mặt kết cấu, mở đầu cuốn sách là lời giới thiệu (các bài viết của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; Thiếu tướng Lê Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cứu chiến binh tỉnh Điện Biên).
Tiếp theo, cuốn sách giới thiệu Lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch; Ban Chỉ huy các đại đoàn. Cùng với đó, ở phần 3 của cuốn sách, bạn đọc sẽ hiểu hơn về các anh hùng lực lượng vũ trang trong chiến dịch Điện Biên Phủ như Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Ở phần 4 và phần 5, ấn phẩm tiếp tục giới thiệu danh sách đại diện cố vấn quân sự Trung Quốc và danh sách anh hùng, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của các địa phương tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được phác họa trên hơn 300 trang sách.
Cuối cùng, điểm đặc biệt nhất của ấn phẩm chính là danh sách 214 nghìn người là những anh hùng liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong hỏa tuyến trên khắp 53 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước được sẽ được phác họa một cách đầy đủ, sống động nhất. Toàn bộ được thể hiện dưới hình thức sách điện tử theo hướng mở. Ở đó, mỗi địa phương sẽ có một mã QRCode, cho phép bạn đọc quét và truy cập vào kho dữ liệu có đầy đủ thông tin về anh hùng, liệt sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của 53 tỉnh thành phố trên cả nước đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng chí Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thông tin thêm, trong thời gian tới đây, danh sách này sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện nhờ sự đóng góp của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng, các gia đình và bạn đọc cả nước.
Bạn đọc/người dân khi có thông tin cập nhật có thể liên hệ qua Hội Cựu chiến binh sở tại hoặc trực tiếp qua Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Tiếp đó, các Hội Cựu chiến binh sẽ thẩm định bước đầu, sau đó gửi thông tin để Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xem xét và bổ sung vào dữ liệu sách điện tử.
Cũng theo đồng chí, việc gìn giữ, lưu danh công lao của các tiền bối trong gia đình, dòng họ đã tham gia chiến dịch vào sách sử là việc làm có ý nghĩa thiết thực. Đây sẽ là món quà tinh thần vô giá với những người tham gia chiến dịch đang sống cũng như là nén hương thành kính của con cháu dâng lên những người đã khuất với những công lao được cả xã hội ghi nhận.
Đánh giá cao nỗ lực, tâm huyết của Tỉnh ủy Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Cuốn sách Anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ ra đời nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có ý nghĩa sâu sắc.
Đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ kính yêu và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy chiến dịch; ghi công các anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã anh dũng hy sinh, đóng góp sức người, sức của trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tấm gương sáng của các anh hùng, liệt sĩ sống mãi với các anh hùng, liệt sĩ sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Đồng chí cho rằng, cuốn sách là tài liệu quý, tái hiện chân dung các anh hùng, chiến sĩ Điện Biên Phủ thông qua những chiến công, thành tích trong chiến đấu và chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc, tin tưởng về tương lai tươi sáng của đất nước.
TRI ÂN ANH HÙNG, CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ VIỆC LÀM THƯỜNG XUYÊN, LIÊN TỤC
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên khẳng định: Việc tri ân các chiến sĩ Điện Biên Phủ không phải việc làm của một ngày, một đợt mà cần diễn ra thường xuyên, cả giai đoạn. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, tổ chức thăm hỏi thường xuyên. Nhất là trong những dịp lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh, cấp cao nhất, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Tỉnh ủy, và lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tình hình sức khỏe, điều kiện sống của các cụ, cũng như công ăn việc làm của con, cháu các cụ”, đồng chí nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đối với những chiến sĩ Điện Biên Phủ nơi ở chưa ổn định, tỉnh cũng có chính sách bảo đảm nơi ở ổn định. Có những trường hợp do thay đổi nơi ở, con cháu các cụ chưa có công ăn việc làm, tỉnh yêu cầu địa phương phải bố trí ngay. Con cháu các cụ có công ăn việc làm thì mới có điều kiện để chăm sóc các cụ. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt khám sức khỏe đối với các chiến sĩ Điện Biên Phủ, cựu thanh niên xung phong hiện đang sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ và các địa phương.
Theo Nhandan.vn