Cuốn sách đưa độc giả khám phá các công trình kiến trúc đặc sắc nhất của Hà Nội

Cuốn sách 'Kiến trúc Hà Nội' mang đến những tinh hoa ngàn năm của kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là thời Pháp thuộc, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng.

Sáng 12/1, tọa đàm Kiến trúc Hà Nội - Dấu ấn di sản qua thời gian và buổi giới thiệu sách Kiến trúc Hà Nội diễn ra tại TPHCM.

Cuốn sách Kiến trúc Hà Nội (NXB Thế giới in ấn và Phanbook phát hành) của tác giả Trần Quốc Bảo được thiết kế dạng bìa cứng, dày 364 trang, song ngữ Việt - Pháp do dịch giả Thẩm Yến Linh chuyển ngữ.

Đâylà kết quả lao động nghiêm túc của ê-kíp nhiều thế hệ suốt 2 năm. Ngoài TS.KTS Trần Quốc Bảo (giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) biên soạn nội dung, còn có đội ngũ trẻ thực hiện thiết kế, vẽ minh họa, chụp ảnh công trình kiến trúc làm nên một cuốn sách ấn tượng.

Cuốn sách 'Kiến trúc Hà Nội' của tác giả Trần Quốc Bảo.

Cuốn sách 'Kiến trúc Hà Nội' của tác giả Trần Quốc Bảo.

Sách gồm ba phần. Với phần 1 về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội xưa, người đọc được tìm hiểu kiến trúc tam trùng thành quách của kinh thành Thăng Long xưa cho đến những công trình kiến trúc cổ còn lại tới ngày nay như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long…

Trong phần 2 - chương chính của sách về kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc - độc giả được ghé thăm, tìm hiểu những viên ngọc kiến trúc thời Pháp thuộc chia theo phong cách điển hình như Beaux-Arts, Art Déco, Đông Dương, kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, kiến trúc thép, Gothique.

Phần 3 là kiến trúc Hà Nội sau 1954, cũng mang đến nhiều khám phá thú vị về những công trình kiến trúc đẹp nhưng chưa được chú ý nhiều như các nhà tập thể, các công trình kiến trúc xã hội chủ nghĩa khác cho đến công trình kiến trúc hiện đại gần đây…

Kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương (giữa) và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến (bên phải) là diễn giả của sự kiện.

Kiến trúc sư Nguyễn Chánh Phương (giữa) và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến (bên phải) là diễn giả của sự kiện.

Đọc cuốn sách này, độc giả như xem một bộ phim về lịch sử Hà Nội. Ngoài ra, tác giả cũng giới thiệu những công trình kiến trúc tiêu biểu qua các thời kỳ như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò...

Theo nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, mục tiêu lớn nhất của tác phẩm là lan tỏa tình yêu Hà Nội, nâng cao nhận thức của mọi người trong việc giữ gìn những di sản văn hóa kiến trúc của Thủ đô, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến có những đánh giá về tác phẩm 'Kiến trúc Hà Nội'.

Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến có những đánh giá về tác phẩm 'Kiến trúc Hà Nội'.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng nhận định, những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội là một biểu hiện cho chủ đề di sản đô thị hiện nay, đánh dấu sự tiếp nhận tiến trình hiện đại hóa của riêng Hà Nội và Việt Nam nói chung.

Sự tiếp nhận và sử dụng những tòa nhà, công trình vốn đại diện cho chế độ thực dân đã thay đổi để nó trở thành một phần của bản sắc thành phố, hay rộng hơn là bản sắc của dân tộc.

Phước Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuon-sach-dua-doc-gia-kham-pha-cac-cong-trinh-kien-truc-dac-sac-nhat-cua-ha-noi-2362496.html