Cuốn sách được đóng bìa bằng da người - ký ức về kẻ sát nhân khét tiếng thế kỷ XIX

Theo nhân viên bảo tàng, 2 quyển sách về vụ giết người Maria Marten với bìa sách làm từ da người có giá trị lịch sử 'vô cùng quan trọng'.

Cuốn sách thứ hai trong bộ sách được đóng bìa bằng da từ cơ thể William Corder – tên sát nhân khét tiếng vào thế kỷ XIX đã giết hại cô Maria Marten – sắp được đưa ra trưng bày tại Bảo tàng Moyse’s Hall ở thị trấn Bury St Edmunds, hạt Suffolk (Anh) trang tin Euronews đưa tin hôm 16-4.

Cuốn sách đầu tiên ghi lại “lịch sử xác thực và trung thực về vụ giết người bí ẩn Maria Marten” đã được trưng bày tại Bảo tàng Moyse’s Hall từ năm 1933. Tuy nhiên, người ta quên mất rằng còn có một cuốn sách thứ hai đã bị bỏ qua.

 Cuốn sách thứ hai trong bộ sách với bìa làm từ da của tên sát nhân William Corder (thế kỷ XIX). Ảnh: MOYSE'S HALL MUSEUM

Cuốn sách thứ hai trong bộ sách với bìa làm từ da của tên sát nhân William Corder (thế kỷ XIX). Ảnh: MOYSE'S HALL MUSEUM

Khác với cuốn sách đầu tiên với bìa được phủ hoàn toàn bằng da của Corder, cuốn sách thứ hai này chỉ có phần gáy và góc bìa được chèn bằng da Corder.

Vụ giết cô Maria Marten xảy ra năm 1827 ở một địa danh trong vùng tên là Red Barn. Corder đã bắn chết nạn nhân và chôn xác trong một chuồng gia súc.

 Hình vẽ chuồng gia súc ở Red Barn, nơi phát hiện thi thể của cô Maria Marten. Ảnh: EURONEWS

Hình vẽ chuồng gia súc ở Red Barn, nơi phát hiện thi thể của cô Maria Marten. Ảnh: EURONEWS

Có nhiều dị bản liên quan vụ án này. Câu chuyện phổ biến nhất là Corder và cô Marten là người yêu và gã đã dụ dỗ cô Marten tới Red Barn với lời hứa sẽ cùng nhau trốn đến thị trấn Ipswich gần đó để kết hôn. Người ta chỉ có thể tìm thấy thi thể của cô Marten sau khi cô được cho đã báo mộng cho mẹ kế là bà Ann Marten.

 Hình vẽ về vụ treo cổ tên sát nhân William Corder. Ảnh: GETTY IMAGES

Hình vẽ về vụ treo cổ tên sát nhân William Corder. Ảnh: GETTY IMAGES

Corder bị bắt ở London, bị xét xử và treo cổ công khai ở Bury St Edmunds vào năm 1828. Cơ thể của tên sát nhân được giải phẫu và phần da được dùng để làm bìa các tập tài liệu về vụ giết người và phiên tòa xét xử.

Vụ giết cô Maria Marten đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bài hát, vở kịch, phim truyền hình…

 Hai cuốn sách về vụ giết cô Maria Marten: cuốn bên trái có bìa làm hoàn toàn từ da người, cuốn bên phải chỉ có gáy sách và góc bìa làm từ da người. Ảnh: MOYSE'S HALL MUSEUM

Hai cuốn sách về vụ giết cô Maria Marten: cuốn bên trái có bìa làm hoàn toàn từ da người, cuốn bên phải chỉ có gáy sách và góc bìa làm từ da người. Ảnh: MOYSE'S HALL MUSEUM

Bìa sách làm từ da người không phải hiện tượng hiếm gặp ở Anh trong thế kỷ XIX, phát triển thành một “thủ thuật” với tên gọi riêng. Việc này thường được bắt gặp trong trường hợp các tài liệu ghi chép về những tên tội phạm bị hành quyết.

Vì bản chất rùng rợn vốn có của các bìa sách làm từ da người, việc trưng bày các hiện vật như vậy trở thành vấn đề gây tranh cãi.

Năm 2014, Đại học Harvard (Mỹ) chứng minh được cuốn “Des destineés de l'âme” của tiểu thuyết gia Pháp Arsene Houssaye có bìa sách làm từ da người, được cho là phần da bị lấy cắp từ thi thể một phụ nữ chết trong trại tâm thần nơi ông Houssaye học y.

Năm 2024, trường Harvard quyết định vẫn trưng bày hiện vật này nhưng phải loại bỏ phần bìa sách làm từ da người vì lý do đạo đức và ký ức lịch sử.

Tuy nhiên, ông Dan Clarke, nhân viên quản lý di sản của Bảo tàng Moyse’s Hall, cho rằng hai cuốn sách liên quan vụ giết cô Maria Marten có giá trị lịch sử “vô cùng quan trọng”.

Ông Clarke nói thêm rằng trong 11 năm làm việc ở bảo tàng, ông chưa nhận được bất kỳ khiếu nại nào liên quan việc trưng bày hiện vật có bìa sách làm từ da người như vậy.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cuon-sach-duoc-dong-bia-bang-da-nguoi-ky-uc-ve-ke-sat-nhan-khet-tieng-the-ky-xix-post844864.html