Cuốn sách tôi chọn: 'Alice ở xứ sở thần tiên' giúp chúng ta biết nâng niu giá trị thần tiên, tuổi thơ của mình
Nhiều trong số chúng ta, tuổi thơ đã từng đọc, xem và nghe đến câu chuyện của cô bé Alice trong cuốn tiểu thuyết đặc sắc 'Alice ở xứ sở thần tiên'. Câu chuyện gắn bó với tuổi thơ của biết bao thế hệ, đồng hành cùng các bạn nhỏ trong quá trình trưởng thành và nuôi dưỡng ước mơ của trẻ thơ qua từng trang sách.
Tiểu thuyết “Alice ở xứ sở thần tiên” được sáng tác năm 1865 và đã trở nên nổi tiếng sau thời gian ngắn được xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng, được độc giả toàn châu lục đón nhận. Và cho đến nay, tiểu thuyết cũng đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu, nhạc kịch.
Qua những chia sẻ của đạo diễn- NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan trong chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay, quý vị và các bạn sẽ hiểu hơn về sức hấp dẫn và lôi cuốn ở cuốn sách này.
Đạo diễn- NSƯT Nghiêm Nhan: "Cuốn sách “Alice ở xứ sở thần tiên” được tác giả Lewis Carroll viết năm 1865 bằng tiếng Anh. Cho đến giờ, cuốn sách đã tồn tại khoảng 150 năm. Kể từ lúc ra đời đến bây giờ, cuốn sách luôn là một trong cuốn sách có sức hút riêng với tất cả các lứa tuổi.
Từ khi cuốn sách ra đời cho đến sau này, có rất nhiều các loại hình nghệ thuật, ví dụ như hoạt hình, phim điện ảnh, sân khấu và mới đây lại là một vở nhạc kịch tạo sự hấp dẫn, sự thú vị cho những độc giả. Ở đấy chính là một câu chuyện xem ra có vẻ lạ nhưng mà câu chuyện thần tiên chỉ là giấc mơ của cô bé Alice.
Nhân vật của cuốn sách là một nguyên mẫu của tác giả nhưng ông thấy rằng cô bé này không còn nhí nhảnh, không còn hồn nhiên vô tư như ngày xưa nữa. “Alice ở xứ sở thần tiên” thực ra là muốn gửi một thông điệp đến bây giờ và sau này, một thông điệp mãi vẫn còn giá trị, đó chính là, chúng ta hãy mãi giữ những kỉ niệm đẹp, sống thật, sống hồn nhiên với nó. Những kỷ niệm ấy là những giá trị cuộc sống mà không bao giờ chúng ta có thể lấy lại được.
Ở cái thế giới huyền ảo mà tác giả tưởng tượng trong cuộc sống tại thành phố cổ của cô bé Alice có những quân bài nhưng đồng thời là những con người hình quân bài. Điều đó gợi một cảm xúc, gợi sự tò mò, trí tưởng tượng của những người xem.
Tôi nghĩ rằng, cho đến bây giờ, nó không phải chỉ là những câu chuyện thần tiên và những chuyện nhuốm màu cổ tích mà nó còn mang màu sắc hiện đại, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta ngày nay và những loại hình nghệ thuật ví dụ như là sân khấu hay sân khấu nhạc kịch thì rõ ràng là họ kết hợp những yếu tố mà mất đi tính chất tưởng tượng như thế, nếu hợp lại trong mỗi tác phẩm sân khấu của mình thì chính điều này sẽ đem lại ngôn ngữ rất hiện đại.
Chính vì lẽ đó mà hôm nay, mặc dù ra đời hơn 150 năm, cuốn sách vẫn còn đầy sức sống và người ta vẫn tìm thấy hình bóng của mình trong đấy. Và những điều hấp dẫn trong ở cuốn sách “Alice ở xứ sở diệu kỳ” hay là “Alice ở xứ sở thần tiên” chính là làm cho chúng ta trẻ lại, làm cho chúng ta hồn nhiên, làm cho chúng ta biết nâng niu giá trị thần tiên, tuổi thơ mình. Tác phẩm này sẽ luôn đọng lại trong trái tim của những độc giả ở mọi lứa tuổi".
Thực hiện : Việt Hòa – Minh Quốc