Cuốn sách tôi chọn: Đọc 'Ký ức đời binh nghiệp' của Trung tướng Khuất Duy Tiến để thấy 'cuộc hồi sinh' dân tộc nhờ 19/8

Trong chiều dài lịch sử dân tộc, có một mốc son vĩ đại, giúp đổi thay hoàn toàn cuộc đời của những phận người cùng khổ, cần lao - đó chính là Cách mạng mùa thu tháng Tám. Có biết bao người dân 'chân đất', đi lên từ đói khổ, đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội rèn giũa, đào tạo, để trở thành những quân nhân hoặc công dân ưu tú.

Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay xin giới thiệu cùng khán giả một cuốn hồi ký của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, do Đại tá Lê Hải Triều chấp bút. Cuốn “Ký ức đời binh nghiệp” tái hiện chân thực những chặng đường đời của một vị Tướng cùng đồng đội, trải dài qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi đi suốt cả chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Chúng ta cùng chia sẻ qua phần trò chuyện của nhân vật chính, cũng là đồng tác giả: Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Trung tướng KHUẤT DUY TIẾN, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3:"Cuốn "Ký ức đời bình nghiệp" gắn chặt với cuộc đời tôi, với cha mẹ tôi, với đồng đội của tôi. Từ khi tôi còn nhỏ, cuộc đời cơ cực lắm. Và khi vào Quân đội, tôi đi chiến đấu, từ một chiến binh không biết bước chân trái lên trước, đi đều đấy, không biết nheo mắt. Thế rồi chiến đấu, được đồng đội tin yêu, rồi tôi được làm tổ trưởng tổ ba người, được làm Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng, dần dần tôi trở thành cán bộ Sư đoàn và Quân đoàn, tôi thành một vị Tướng. Cho nên tâm niệm của tôi, tôi phải viết, để mọi người thấy là đấy, Quân đội đào tạo tôi như thế đấy! Quân đội đào tạo như thế, anh em thương tôi như thế. Được Quân đội, được Đảng và Nhà nước yêu thương, rèn luyện, thì trở thành một người có ích, truyền lại cho các thế hệ mai sau, cho các cháu các con nó biết rằng một con người muốn trưởng thành phải tự rèn mình, phải tích cực, phải làm việc, phải làm thật tốt. Có những chương mà, tại sao tôi lại cố gắng tôi làm được, tại sao tôi lại viết được nghi binh, thế mới lạ chứ! Chính là Quân đội đã đào tạo trưởng thành cho mình, và mình cũng cố gắng vươn lên.

19/8/1945 đối với tôi là một cuộc hồi sinh. Hồi sinh của tôi, của gia đình tôi, của quê hương tôi, và cả đất nước này. Không có Cách mạng 19/8 thì có lẽ dân tộc mình không còn gì, vì năm 1945 chết 2 triệu rưỡi cơ mà. Gia đình nhà tôi chết hai ông chú, bốn thằng em, tan tác hết. Ở quê tôi là hơn 400 người. Thế mà có Cách mạng Tháng tám cứu vớt, đưa nhân dân ta vượt lên. Chúng tôi là những người, có thể nói là những người dân mà đã “xếp xó” rồi, mà được trưởng thành cho đến ngày hôm nay thì thật là quý hóa quá, cho nên nhất định tôi phải viết mà. Viết để cho con cháu, cho thế hệ mai sau người ta biết Việt Nam là như thế đấy, cho kẻ thù của chúng ta nó nhìn thấy những người Việt Nam là như thế nào, không chịu khuất phục như thế nào, chiến đấu như thế nào...

Tôi viết cuốn ấy chính là mục đích của tôi là như vậy, để tôi tri ân anh em chúng tôi chứ! Anh em đã chết cho tôi sống, và tôi được hưởng một cuộc sống rất đầy đủ, đẹp đẽ. Tôi lên được một vị Tướng, nhưng 1 vạn 4 nghìn 500 liệt sĩ ở Sư đoàn 320 đã hy sinh cho tôi, thì tôi phải viết chứ, để tôi tri ân đồng đội của tôi chứ, và tôi làm cuộc đời của tôi như thế nào cho tốt, tôi truyền lại cho con cháu tôi, và bạn bè của tôi, để đất nước Việt Nam này hùng mạnh, không kẻ thù nào dám xâm lược đất nước chúng ta. Đó là tâm nguyện của tôi khi tôi viết quyển hồi ký này."

Thực hiện : Thiện Đoan Văn Thắng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-doc-ky-uc-doi-binh-nghiep-cua-trung-tuong-khuat-duy-tien-de-thay-cuoc-hoi-sinh-dan-toc-nho-198