Cuốn sách tôi chọn: 'Papillon – Người tù khổ sai' - Cuốn sách xúc động về khát vọng sống và tình người

Nhà văn Henri Charrìere sinh tại Ardèche, nước Pháp. Năm 1923, ở tuổi mười bảy ông tham gia phục vụ Hải quân Pháp. Charrìere rời hải quân sau hai năm. Ông từng bị bắt giam và xử án đầy khổ sai chung thân vì tội giết người theo lời khai của một nhân chứng đã được 'dàn xếp'. Charrìere viết « Papillon – người tù khổ sai » kể về cuộc đời của chính mình lúc ông sáu mươi tuổi.

Cuốn sách ra đời như một bùng nổ làm chấn động Paris, vượt xa dự tính của tác giả, riêng ở Pháp đã phát hành hơn một triệu bản (1961). Chỉ vài năm sau, Papillon được dịch ở 25 nước. Và cho đến hôm nay, «Papillon – người tù khổ sai» vẫn là một cuốn sách hấp dẫn với các thế hệ bạn đọc. Ngay sau đây xin mời quí vị và các bạn cùng đến với cuốn sách qua sự chia sẻ của dịch giả Nguyễn Quốc Vương.

"Papillon - người tù khổ sai" là một cuốn sách có thể coi là tiểu thuyết cũng được mà tự truyện của tác giả viết về cuộc đời mình. Từ một ma cô, một lưu manh ở Paris bị tòa án xét xử vì tội giết người mà thực ra là bị oan. Anh ta bị phạt tội khổ sai chung thân và bị đầy đi một hòn đảo, thuộc địa của Pháp. Trong cuộc sống giống như địa ngục trần gian ở trên đảo, anh ta luôn nuôi dưỡng một ý định là bằng mọi cách để thoát khỏi nhà tù rồi sau đó trở về trả thù những người đẩy anh ta vào cảnh ngục tù. Thế nhưng mà sau 8, 9 lần vượt ngục và sau đó thành công đến được đất nước Venezuela - một nơi mà công nhận cuộc sống tự do cho những người vượt ngục thành công thì dần dần anh ta đã từ bỏ ý định đó và anh ta viết lại cuộc đời mình và cuối cùng trở thàng một cuốn sách gây một tiếng vang lớn với độc giả đương thời và ngay cả bây giờ.

Cuốn sách này mô tả một cách xuất sắc, rất là hay, chân thực đến trần trụi về khát vọng sống của con người. Trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, nhân vật chính mặc dù là lưu manh nhưng khi vào đến nhà tù ở đây thì ông ta còn ngạc nhiên và choáng váng bởi sự khắc nghiệt của nó, nơi mà không có một khoảng trống nào cho tình người hay sự đối xử tử tế nào giữa con người với con người. Cho nên sức sống, khát vọng rất mãnh liệt. Anh ta bị biệt giam cầm cố đến mấy năm trời, chỉ được ăn thức ăn tối thiểu rồi không có ánh sáng, lính gác không được phép nói chuyện với anh ta, như người bình thường là tự chết. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy nhưng anh ta bằng mọi giá vẫn sống được, cho nên ngay khi anh ta hết hạn bị xử phạt, cố ra ngoài thì kể cả cai ngục lẫn lính canh cũng vô cùng ngạc nhiên.

Cũng chính trong cảnh ngục tù được mô tả rất chi tiết, tường tận, chúng ta còn thấy được thứ nữa là ngay cả trong chính những nơi mà bạo lực đầy rẫy, lừa dối rồi con người có thể hại nhau rất là dễ dàng người ta vẫn có thể tìm thấy được tình người. Chẳng hạn như là anh Papillon có hiệu là Bươm Bướm này là một tội phạm bị khổ sai chung thân, anh ta chỉ nghĩ mỗi việc là bằng mọi giá phải trốn được và đối với một người án nặng như vậy, lại mang nỗi oan như vậy, mang khát vọng trốn thoát như vậy thì chắc chắn anh ta phải ưu tiên mạng sống của anh ta, ưu tiên chuyện làm sao anh ta chạy trốn được. Tuy nhiên khi chứng kiến con của viên cai ngục rớt xuống biển trước đàn cá mập như vậy, trong khi tất cả tù nhân khác, thậm chí cả lính gác ở trên đảo lẽ ra nghĩa vụ phải cứu giúp thì lại hoảng sợ, Papillon đã không ngần ngại nhảy xuống và cứu được đứa bé ngay trước hàm cá mập. Điều này chứng tỏ, mặc dù là một tên lưu manh và coi trọng chuyện mình làm sao thoát khỏi nhà tù nhưng tình người trỗi dậy và đây là một chi tiết rất nhân văn.

Cuốn sách này mặc dù viết về những chuyện rất ghê rợn ví dụ như giết người rồi cảnh tù ngục, cảnh chém giết nhưng đằng sau nó và ở trung tâm của tác phẩm, ta vẫn tìm thấy con người và tình người ở đây. Cho nên những bạn trẻ mà cảm thấy bế tắc trong đời sống, cảm thấy đau khổ hay đôi khi thấy cuộc sống tàn nhẫn với mình thì nên đọc cuốn sách này và ta có thể tìm thấy được niềm tin yêu cuộc sống.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-papillon-nguoi-tu-kho-sai-cuon-sach-xuc-dong-ve-khat-vong-song-va-tinh-nguoi