Cuốn sách tôi chọn: Thúc ước Thanh Hóa - Nơi lưu giữ những nét văn hóa của làng xã xứ Thanh

Với nền văn minh lúa nước có tự lâu đời, đời sống của người dân đất nước ta từ xa xưa đã luôn gắn bó với làng xã. Chính vì vậy mà cho đến nay chúng ta vẫn còn lưu giữ được rất nhiều các văn bản ghi lại về qui ước riêng, lệ riêng của các làng, xã và một trong số đó có 'Văn thúc ước'.

Với nội dung chủ yếu miêu tả, ca ngợi cảnh quan làng xã, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của địa phương; cổ vũ mọi người giữ gìn mỹ tục, thuần phong, nêu cao đạo đức, đạo lý; các văn bản thúc ước còn được lưu giữ đến ngày nay chính là những minh chứng khắc họa nên đời sống của làng, xã thời bấy giờ. Chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay muốn giới thiệu tới quý vị ấn phẩm “Thúc ước Thanh Hóa” do nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng chủ biên, được NXB Thanh Hóa ấn hành. Ông Hoàng Văn Tú – Giám đốc NXB Thanh Hóa sẽ chia sẻ với quý vị những nét độc đáo của văn hóa làng xã xứ Thanh, thông qua những cảm nhận về cuốn sách này!

"Tác phẩm “Thúc ước Thanh Hóa” do nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng sưu tầm, tuyển chọn, tập hợp, gồm những tài liệu lưu truyền trong dân gian. Việc sưu tầm để biên soạn tác phẩm này là cả một câu chuyện kỳ công. Theo các tư liệu thư tịch cổ thì “thúc ước” có từ thời Lê Hiến Tông (khoảng năm 1498 – 1504), nội dung của thúc ước ca ngợi về làng xã, về việc học tập, thi cử, về truyền thống hiếu học, về giáo dục, răn dạy con người, cảm hóa con người, về nghề nghiệp, về các phong tục tập quán của địa phương,… Tất cả các thúc ước đều rất đáng quý, có giá trị tuyên truyền răn dạy cao, đưa lại thông tin về tri thức bản địa đối với bạn đọc, đối với các nhà nghiên cứu…

Có thể nói xứ Thanh từ xưa là một vùng đất hiếu học có truyền thống khoa bảng nổi tiếng và các thúc ước về việc học hành, thi cử khoa bảng tôi cho là rất đặc sắc, nhằm khuyến khích việc học hành thi cử và bảo lưu lại cho hậu thế mang lại những giá trị tốt đẹp.

Chủ biên của tác phẩm “Thúc ước Thanh Hóa” là nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ông đã có quá trình công tác ở thư viện tỉnh Thanh Hóa trong nhiều năm, gắn bó với các tài liệu thư tịch được lưu trữ ở thư viện và ngoài ra, nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng còn tiếp tục đến với các vùng miền từ miền núi, miền xuôi đến vùng biển của tỉnh Thanh Hóa để ghi chép những bản thúc ước còn được lưu truyền trong dân gian. Sau đó khi trở về thì lại tiếp tục nghiên cứu, đối sánh các bản thúc ước đó với những bản lưu trữ mà nhà nghiên cứu sưu tầm được. Thêm vào đó, ông nhờ các nhà nghiên cứu về Hán Nôm dịch thuật để tổng hợp và hiệu đính mới có được tác phẩm “thúc ước” đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất. Tác phẩm “Thúc ước Thanh Hóa” do nhà nghiên cứu Đào Huy Phụng nghiên cứu, sưu tầm là một tác phẩm được sưu tầm kỳ công trong thời gian trên hai mươi năm….

Chúng ta đang xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển văn hóa đọc, nền văn hóa đất nước tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì tác phẩm “Thúc ước Thanh Hóa” góp phần cho bạn đọc, cho nhân dân các địa phương duy trì phát huy giá trị của thúc ước mà người xưa để lại, qua đó răn dạy con cháu đối nhân xử thế, học hành thi cử khoa bảng ngày càng tốt hơn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước…"

Thực hiện : Hải Linh Linh Chi Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-thuc-uoc-thanh-hoa-noi-luu-giu-nhung-net-van-hoa-cua-lang-xa-xu-thanh