Cưỡng chế thu hồi đất của Công ty Cổ phần May Hai: Nhiều vấn đề pháp lý cần làm rõ

Sau quyết định cưỡng chế thu hồi đất Công ty Cổ phần May Hai tại số 72 Lạch Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng), nhiều vấn đề được đặt ra về pháp nhân 'Công ty May Hải Phòng, nay là Công ty Cổ phần May Hai'; vấn đề xử lý sử dụng đất sau khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đặt ra.

Ngày 31/10, UBND quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của Công ty Cổ phần May Hai tại số 72 Lạch Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) do hết thời hạn thuê và không phù hợp quy hoạch, tiến hành kê biên, kiểm kê tài sản, rào tôn quản lý mặt bằng khu vực thực hiện cưỡng chế.

Sau thời điểm cưỡng chế (ngày 31/10/2024), Công ty Cổ phần May Hai phải đăng ký với UBND quận Ngô Quyền để tháo dỡ nhà xưởng và di chuyển tài sản của Công ty ra khỏi khu vực đất cưỡng chế; hoàn thành di chuyển xong trước ngày 15/11/2024. Từ ngày 15/11/2024, nếu Công ty Cổ phần May Hai không di chuyển tài sản thì coi như Công ty đã từ chối quyền nhận tài sản của Công ty; UBND thành phố và UBND quận Ngô Quyền không chịu trách nhiệm đối với tài sản của Công ty Cổ phần May Hai sau thời điểm này.

300 công nhân của Công ty cổ phần May Hai tại cơ sở sản xuất số 72 Lạch Tray phải phân tán sang các cơ sở sản xuất khác

300 công nhân của Công ty cổ phần May Hai tại cơ sở sản xuất số 72 Lạch Tray phải phân tán sang các cơ sở sản xuất khác

Tuy nhiên, sau quyết định cưỡng chế, Công ty Cổ phần May Hai cho rằng: “UBND quận Ngô Quyền đã xác nhận Công ty Cổ phần May Hai "kế thừa các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của Công ty May số II Hải Phòng, đồng thời phải thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định." Điều này đồng nghĩa với việc: UBND quận Ngô Quyền thừa nhận Công ty Cổ phần May Hai không kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý từ Công ty May Hải Phòng.

• Công ty May Hải Phòng có trụ sở tại 72 Lạch Tray (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tiền thân là Xí nghiệp Tạp phẩm Xuất khẩu, được thành lập năm 1956. Đến năm 2001, Công ty May Hải Phòng bị sáp nhập vào Công ty May số II Hải Phòng do làm ăn thua lỗ và chấm dứt tồn tại.

• Công ty May số II Hải Phòng có trụ sở tại Kiến An (Hải Phòng) tiền thân là Xí nghiệp May mặc nội địa thành lập năm 1987. Đến năm 2005, Công ty May số II Hải Phòng thực hiện cổ phần hóa, chấm dứt sự tồn tại. Công ty Cổ phần May Hai được thành lập theo phương án cổ phần hóa do UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định 3325 (ngày 7/12/2004).

Cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm hình thành loại hình doanh nghiệp mới dựa trên nền tảng doanh nghiệp nhà nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thu hút vốn đầu tư. Quá trình cổ phần hóa được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, tuân thủ nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành.

Theo quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP, Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Thông tư 09/2006/TT-BTC, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hóa được thuê đất tương tự doanh nghiệp mới thành lập, thời hạn thuê đất được xác định theo pháp luật là 50 năm.

“Quan điểm cho rằng thời hạn thuê đất chỉ là 2 năm sau cổ phần hóa là hoàn toàn trái với mục tiêu phát triển bền vững lâu dài của công ty cổ phần do Chính phủ đặt ra” - đại diện Công ty Cổ phần May Hai nêu quan điểm.

Quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hải Phòng sử dụng Quyết định số 1545/QĐ-UB cấp đất cho Công ty May Hải Phòng làm căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, Công ty May Hải Phòng đã chấm dứt hoạt động từ năm 2001. Việc gán ghép Công ty Cổ phần May Hai với Công ty May Hải Phòng thông qua cụm từ "nay là Công ty Cổ phần May Hai" là hoàn toàn sai lệch, không có căn cứ pháp lý, nhằm hợp thức hóa việc thu hồi đất, Công ty Cổ phần May Hai khẳng định.

Tiến hành kê biên, kiểm kê tài sản, rào tôn quản lý mặt bằng khu vực 72 Lạch Tray thực hiện cưỡng chế

Tiến hành kê biên, kiểm kê tài sản, rào tôn quản lý mặt bằng khu vực 72 Lạch Tray thực hiện cưỡng chế

Luật sư Nguyễn Văn Thành, Công ty Luật TNHH Huy Thành cho rằng: “Công ty May số II Hải Phòng tiến hành cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp kết hợp với phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn để chuyển thành Công ty cổ phần có tên là Công ty Cổ phần May Hai (có mã số thuế riêng, giấy đăng ký kinh doanh ghi nhận đăng ký lần đầu, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp). Như vậy, từ khi Công ty Cổ phần May Hai thành lập đã chấm dứt hoạt động và sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước là Công ty May số II Hải Phòng”.

Quyết định số 3325/QĐ-UB ngày 9/12/2004 của UBND thành phố Hải Phòng (Quyết định 3325) có thể xem là văn bản khai sinh ra Công ty Cổ phần May Hai và chấm dứt mọi tồn tại của doanh nghiệp nhà nước trước đó. Bởi vậy, các vấn đề bao gồm: phương án sản xuất kinh doanh, vốn, kế thừa quyền và nghĩa vụ (nếu có) của Công ty Cổ phần May Hai được thực hiện xuyên suốt, liên tục và dựa trên các nội dung của Quyết định 3325.

Tại Điều 3, Quyết định 3325, quy định về trách nhiệm của Công ty Cổ phần May Hai sau khi cổ phần hóa như sau: “Sau khi hoàn tất thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Công ty Cổ phần May Hai có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, đồng thời được tiếp tục kế thừa các hợp đồng thuê nhà của công ty kinh doanh nhà”.

Theo quy định này thì Công ty Cổ phần May Hai chỉ có trách nhiệm kế thừa các hợp đồng thuê nhà của công ty kinh doanh nhà, ngoài ra không kế thừa quyền và nghĩa vụ nào khác từ Công ty May số II Hải Phòng, luật sư Nguyễn Văn Thành phân tích.

Để làm rõ các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Cổ phần May Hai, VOV.VN đã liên hệ với UBND thành phố Hải Phòng, VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin.

Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hai, ông Đỗ Nam Hải cho biết: Việc sản xuất tại cơ sở số 72 Lạch Tray (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) bị đình đốn sau 15 ngày thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng). 300 công nhân của Công ty cổ phần May Hai phải phân tán sang các cơ sở sản xuất khác.

Công ty Cổ phần May Hai vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng để bù đắp cho số trang thiết bị thiếu hụt do bị phong tỏa, quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất và hoàn thành đơn hàng cho khách hàng. Với phương châm "không để người lao động mất việc làm", đặc biệt là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, chúng tôi đã áp dụng mô hình sản xuất linh hoạt "phân tán tại gia và tập trung tại xưởng", bố trí công việc phù hợp để đảm bảo người lao động có thu nhập ổn định, ông Đỗ Hải Nam nói.

Nhóm PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cuong-che-thu-hoi-dat-cua-cong-ty-co-phan-may-hai-nhieu-van-de-phap-ly-can-lam-ro-post1135458.vov