Cường kích J-16 Trung Quốc được kỳ vọng sẽ 'lật đổ vị thế' của Su-35 Nga?
Không quân Trung Quốc đang được biên chế số lượng lớn máy bay cường kích Thẩm Dương J-16 để có thể phối hợp hoàn mỹ với máy bay tàng hình J-20, đồng thời J-16 cũng được Trung Quốc kỳ vọng sẽ 'lật đổ' Su-30 của Nga trên thị trường máy bay chiến đấu.
Theo Sina, mặc dù hiện nay là thời đại máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng vị trí của số lượng lớn máy bay không tàng hình vẫn khó có thể thay thế, và việc kết hợp 2 loại máy bay này để hình thành năng lực tác chiến mới đang được nhiều quốc gia nghiên cứu phát triển.
Đối với Trung Quốc, máy bay cường kích J-16 hiện nay được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 mới nhất của Trung Quốc, đây là máy bay có thể lấp vào chỗ trống hỏa lực đang tồn tại giữa các tiêm kích thế hệ 4.5 và 5 hiện tại của Trung Quốc. J-16 được coi là con bài chủ lực để phối hợp cùng J-20 đối phó với chiến đấu cơ thế hệ 5 khác trong khu vực, do J-16 được trang bị radar mảng pha chủ động, có thể mang 2 loại tên lửa không đối không, và cũng có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu tàng hình.
J-16 là máy bay được phát triển trên cơ sở tiêm kích J-11. Máy bay này từ phương diện thiết kế thân, tên lửa mang theo, trang bị điện tử, cho đến động cơ đều hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo, đây là máy bay “thuần Trung Quốc” thế hệ 4.5. Đặc biệt, J-16 được sử dụng động cơ WS-10B, đây là động cơ tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc.
Mặc dù không được thiết kế không tàng hình, nhưng máy bay chiến đấu J-16 vẫn có khả năng tàng hình do được phủ sơn tàng hình bên ngoài. Quan trọng hơn là J-16 được trang bị 2 loại tên lửa không đối không mới nhất của Trung Quốc, đó là tên lửa PL-10 và PL-15, 2 loại tên lửa này cũng được trang bị trên máy bay J-20. Đây là điểm quan trọng nhất, đánh dấu việc J-16 là loại máy bay có năng lực tác chiến tổng hợp mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay, chỉ đứng sau J-20.
J-16 cũng có thể được trang bị hàng loạt tên lửa không đối đất, không đối hạm thuộc hệ thống tên lửa YJ, và các loại tên lửa dẫn đường laser và bom dẫn đường vệ tinh. Công ty Công nghiệp phương Bắc của Trung Quốc cũng đã đưa ra hệ thống hỗ trợ tăng khả năng cất hạ cánh của J-16 để có thể biên chế máy bay này trên tàu sân bay, từ đó gia tăng sự uy hiếp của máy bay này.
So với Su-35 của Nga, J-16 có khả năng cơ động đường dài và khả năng mang vác “ngang cơ” với Su-35, có thể nói J-16 là Su-35 “phiên bản Trung Quốc”. Thậm chí, do sử dụng động cơ khống chế véc-tơ nên khả năng cơ động trên không trung của J-16 còn mạnh mẽ hơn Su-35, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đa nhiệm vụ.
Đặc biệt, truyền thông Trung Quốc từng nhấn mạnh phiên bản J-16D đang được hoàn thiện của nước này có sức chiến đấu mạnh ngang với EA-18G Growler - loại tiêm kích áp chế điện tử mạnh bậc nhất thế giới hiện được Không quân Mỹ sử dụng.
Bên cạnh đó, giá thành nhập khẩu Su-35 cao hơn J-16, cùng với đó việc sản xuất số lượng lớn máy bay Su-35 và công tác đảm bảo hậu cần cũng có hạn chế. Trong khi đó J-16 hiện nay đã được Trung Quốc chế tạo số lượng lớn, tới nay đã có hơn 60 chiếc trong biên chế. Quan trọng hơn là sức mạnh của J-16 chỉ đứng sau các máy bay tàng hình thế hệ 5, có thể nói, J-16 hoàn toàn có khả năng “lật đổ địa vị của Su-35” trên thị trường máy bay thế giới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia phương Tây, khả năng tàng hình của J-16 vẫn còn là một “ẩn số” khó đoán. Nhà phân tích Ryan Pickrell cho biết, Không quân Mỹ từng ứng dụng sơn từ tính hấp thụ sóng radar cho tiêm kích đời cũ suốt nhiều năm qua. Một số chiếc F-16 được phủ sơn tàng hình như siêu tiêm kích F-35 từ năm 2012. Tuy nhiên, chúng vẫn có diện tích phản xạ radar (RCS) tới 1,2 mét vuông, lớn hơn nhiều so với con số 0,005 mét vuông của F-22 và F-35.
Ngoài ra, sơn hấp thụ radar chỉ là một phần trong thiết kế tổng thể giúp chiến đấu cơ thế hệ 5 có khả năng tàng hình trước các hệ thống cảm biến đối phương, quan trọng hơn, cấu trúc khung thân của J-16 không có khả năng tán xạ sóng radar, nên nó không thể trở thành máy bay tàng hình.