Cường quốc BRICS nêu lý do không ký thỏa thuận hòa bình Ukraine
Đại diện Ấn Độ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vừa diễn ra ở Thụy Sĩ khẳng định, chỉ có các giải pháp được cả Moscow và Kiev chấp thuận mới có thể đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/6 sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ, chính quyền New Delhi nhấn mạnh rằng chỉ có “sự tham gia chân thành và thực tế” liên quan đến xung đột Ukraine mới có thể dẫn đến giải pháp hòa bình.
Theo đài RT, Ấn Độ lưu ý nước này chỉ hiện diện trong các phiên họp toàn thể khai mạc, bế mạc và không liên kết với bất kỳ thông cáo hoặc tài liệu nào có trong sự kiện.
Đại diện của Ấn Độ tham dự hội nghị là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, ông Pavan Kapoor, cựu đại sứ Ấn Độ tại Nga giai đoạn 2021 - 2024.
Phát biểu tại hội nghị, cựu Đại sứ Kapoor nhấn mạnh chỉ có các giải pháp được cả Moscow và Kiev chấp thuận mới có thể đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine.
Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Ấn Độ đưa ra sau đó cũng lưu ý, việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh Ukraine tại Thụy Sĩ, cũng như các cuộc thảo luận trước đó dựa trên “công thức hòa bình” của Ukraine, phù hợp với cách tiếp cận nhất quán của nước này nhằm tạo điều kiện giải quyết xung đột thông qua giải pháp ngoại giao.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Chúng tôi vẫn tin rằng giải pháp duy nhất đem lại hòa bình cho Ukraine đòi hỏi sự tham gia chân thành và thực tế giữa hai bên trong cuộc xung đột”.
Ấn Độ cũng tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục hợp tác với cả Nga và Ukraine cùng các bên liên quan khác “để đóng góp vào mọi nỗ lực nghiêm túc nhằm mang lại hòa bình sớm và lâu dài”.
Ngoài Ấn Độ, nhiều nước BRICS khác, gồm Brazil, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cùng với Armenia, Bahrain, Vatican, Indonesia, Libya, Mexico, Slovakia và Thái Lan, tham dự Hội nghị hòa bình Ukraine đã từ chối ký vào tuyên bố chung. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, 78 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã ký tuyên bố này.
Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine, kêu gọi giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao.
Trước đó, hôm 14/6, Thủ tướng Narendra Modi đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italia. Dù Thủ tướng Modi lưu ý Ấn Độ mong muốn củng cố quan hệ song phương với Ukraine, song ông cũng nhắc lại lập trường của New Delhi về cuộc xung đột hiện tại.
“Liên quan đến các hành động thù địch đang diễn ra, tôi nhắc lại rằng Ấn Độ tin vào cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và tin rằng con đường dẫn đến hòa bình là thông qua đối thoại và ngoại giao,” Thủ tướng Modi nói.
Hội nghị hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức đã diễn ra trong ngày 15- 16/6. Gần 100 quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử đại diện tham dự hội nghị. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia.
Theo Pravda, trong tuyên bố chung, các lãnh đạo quốc tế nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, cũng như các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ mà tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ukraine, tuân thủ.
Tuyên bố chung cũng kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và các cảng trên Biển Azov, đồng thời nhấn mạnh tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do thông qua trao đổi. Nhưng hội nghị đã bỏ qua các nội dung khó khăn hơn, như: Việc giải quyết vấn đề hậu chiến cho Ukraine, liệu Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) không, hay việc rút quân từ cả hai bên sẽ diễn ra như thế nào.
Về phần mình, Điện Kremlin tuyên bố rằng việc tìm cách giải quyết xung đột Ukraine mà không có phần tham gia của Moscow là hoàn toàn phi logic và vô ích. Hội nghị thượng đỉnh chủ yếu thảo luận về “công thức hòa bình” gồm 10 điểm của Tổng thống Zelensky. Moscow đã kiên quyết bác bỏ đề xuất này.
Ngày 14/6, một ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh Ukraine bắt đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu các điều kiện để đạt lệnh ngừng bắn, trong đó kêu gọi Kiev rút khỏi 4 vùng lãnh thổ của Ukraine đã sáp nhập Nga và yêu cầu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO. Tuy nhiên, cả Kiev và phương Tây đã bác bỏ hoàn toàn các điều kiện này.