Cường quốc 'hạt ngọc trời' ban lệnh cấm xuất khẩu: Nước nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Gạo được xem là 'hạt ngọc trời' bởi nó là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên toàn cầu.
CNN đưa tin, vào ngày 20/7/2023, chính phủ Ấn Độ đã công bố lệnh cấm đột ngột xuất khẩu gạo trắng non-basmati (gạo không phải loại gạo hạt dài basmati) khi chính phủ nước này tìm cách chế ngự giá lương thực trong nước tăng cao và "đảm bảo có đủ gạo trong nước với giá hợp lý". Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về việc làm mất ổn định nguồn cung gạo ở một số nơi trên thế giới, gây ra lo ngại về lạm phát hơn nữa trên thị trường lương thực toàn cầu.
"Lệnh cấm là đòn mới nhất giáng vào thị trường gạo toàn cầu" - Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho hay.
Abc.net.au cho biết, lệnh cấm của cường quốc xuất khẩu gạo thế giới khiến giá toàn cầu tăng vọt. Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã tăng 2,8% trong tháng 7/2023, lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Những quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất?
Việc quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu) ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể gây ảnh hưởng lớn đến thị trường gạo toàn cầu - và hàng triệu người dự kiến sẽ bị tác động, trong đó người tiêu dùng châu Á và châu Phi sẽ phải chịu gánh nặng lớn nhất, CNBC bình luận.
"Malaysia có thể là quốc gia dễ bị tổn thương nhất theo phân tích của chúng tôi" - Ngân hàng đa quốc gia của Anh Barclays cho biết trong một báo cáo gần đây, nhấn mạnh sự phụ thuộc khá lớn của nước này vào gạo Ấn Độ.
Các nhà phân tích viết: "Malaysia nhập khẩu một phần đáng kể nguồn cung gạo của mình và Ấn Độ chiếm một phần tương đối lớn trong lượng gạo nhập khẩu của nước này".
Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Ấn Độ chiếm khoảng 30% lượng gạo nhập khẩu của "đảo quốc sư tử".
Châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông cũng dễ bị ảnh hưởng. Bởi châu Phi cận Sahara là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhập khẩu 17,4 triệu tấn gạo trong niên vụ này, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
BMI, một đơn vị nghiên cứu của Fitch Solutions, cho biết các thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở châu Phi cận Sahara và ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Công ty đã trích dẫn Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait là những nơi bị ảnh hưởng lớn nhất.
Trong khi đó, Tanner Ehmke, nhà kinh tế hàng đầu về ngũ cốc và hạt có dầu tại CoBank, cho biết các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào gạo của Ấn Độ bao gồm Philippines, Malaysia (ở Đông Nam Á); và Nigeria, Bờ Biển Ngà, Senegal (ở Tây Phi).
Thiệt hại từ thời tiết
Joseph Glauber, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho biết: Giá gạo bắt đầu tăng từ năm 2022 do lũ lụt tàn phá ở Pakistan, khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt. Lệnh cấm của Ấn Độ và tác động từ hiệu ứng El Nino có khả năng làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người trên toàn cầu và gần 90% cây trồng sử dụng nhiều nước được sản xuất ở châu Á, nơi mô hình thời tiết El Nino thường mang lại lượng mưa thấp hơn, CNN cho hay.
Chưa kể, mưa lớn ở phía Bắc Ấn Độ trong vài tuần qua đã làm hư hại cây trồng mới trồng ở các bang bao gồm Punjab và Haryana, khiến nhiều nông dân phải trồng lại. Các cánh đồng lúa ở các bang phía Bắc đã bị nhấn chìm trong nước hơn một tuần, phá hủy những cây mạ mới trồng và buộc nông dân phải đợi nước rút để họ có thể gieo cấy lại. Ở các bang trồng lúa chủ yếu khác, nông dân đã chuẩn bị vườn ươm lúa nhưng không thể cấy mạ do không đủ mưa.
Diện tích trồng lúa dự kiến sẽ tăng sau khi New Delhi tăng giá mua gạo, nhưng nông dân cho đến nay đã trồng lúa trên diện tích nhỏ hơn 6% so với năm 2022.
Nguồn: Nguồn: CNN, ABC, CNBC