Cường quốc kinh tế châu Á tìm thấy hướng đi mới?

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok mới đây chia sẻ rằng, 'nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với những thách thức lớn nếu chúng tôi cứ bám sát mô hình tăng trưởng cũ'.

Một cầu cảng ở khu công nghiệp Ulsan, Hàn Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Một cầu cảng ở khu công nghiệp Ulsan, Hàn Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vừa công bố, GDP nước này đã tăng 1,3% trong quý I so với quý trước đó. Tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến củng cố quan điểm của các nhà hoạch định chính sách rằng, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng hơn 2% trong năm nay.

Nỗ lực thoát “hào quang cũ”

Mức tăng trưởng 2% đã trở thành niềm mơ ước trong lúc này, nhưng trước đó, con số này chẳng thấm vào đâu so với một nền kinh tế từng năng động vào bậc nhất thế giới. Nền kinh tế Hàn Quốc từng chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 6,4%/năm trong suốt khoảng thời gian từ 1970 đến 2022.

Nhưng năm ngoái, BoK đã cảnh báo, tốc độ tăng trưởng theo năm đang trên đà giảm xuống mức trung bình chỉ 2,1% trong thập niên 2020, xuống 0,6% trong thập niên 2030 và chỉ còn 0,1% vào thập niên 2040.

Giới quan sát bình luận, cỗ máy tăng trưởng dựa vào sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu rệu rã. “Phép màu trên sông Hàn” đã đưa Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế công nghệ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ. Theo phân tích của Giáo sư kinh tế Park Sangin thuộc Đại học Quốc gia Seoul, mô hình tăng trưởng hiện tại đã qua thời kỳ đỉnh cao vào năm 2011 - là kết quả sau một thập kỷ mà lĩnh vực xuất khẩu công nghệ Hàn Quốc được thúc đẩy nhờ “cơn sốt” công nghệ toàn cầu.

Các nhà kinh tế học cho rằng, chính mô hình tăng trưởng thành công vượt bậc này đã “phủ bóng” khiến một cuộc cải cách mới trở nên khó khăn hơn. Như nhà nghiên cứu Yeo Han-koo (Viện Kinh tế quốc tế Peterson), cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc nhận định, ngành công nghiệp đang gặp khó khăn để thoát khỏi mô hình cũ. Hay Giáo sư Park Sangin bình luận, các tập đoàn hàng đầu của đất nước đã chuyển từ tư duy tăng trưởng đột phá cái mới, sang tâm thế bằng lòng với sự dẫn đầu và chỉ hy vọng duy trì ánh hào quang cũ.

Nhưng trong sự biến động của kinh tế thế giới, đứng im có nghĩa là tụt hậu trước các đối thủ luôn thay đổi và trỗi dậy quá nhanh chóng. Theo thống kê, từ năm 2005-2022, “vị trí đầu đàn” của Hàn Quốc trong một loạt công nghệ quan trọng đã mất dần. Năm 2012, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới ở 36 trong số 120 công nghệ ưu tiên được chính phủ Hàn Quốc xác định. Đến năm 2020, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 4.

Chẳng hạn, trong cuộc “cạnh tranh sinh tồn”, một trong những đối thủ hàng đầu của ngành công nghệ Hàn Quốc hiện nay là các doanh nghiệp Trung Quốc - mà trước đây vốn là các khách hàng hoặc nhà cung cấp. Họ đã thu hẹp dần khoảng cách đổi mới, rồi bắt kịp các tên tuổi Hàn Quốc ở hầu hết các lĩnh vực (ngoại trừ lĩnh vực bán dẫn tiên tiến nhất).

Kỳ vọng ở kỷ nguyên AI

Người ta nói rằng, “phép màu trên sông Hàn” đã kết thúc, nhưng người Hàn Quốc chắc chắn không muốn điều đó xảy ra.

Đầu năm 2023, chính phủ Hàn Quốc đã triệu tập Hội nghị Kinh tế khẩn cấp thảo luận về lộ trình Chiến lược tăng trưởng mới 4.0, trong đó công bố chi tiết về chiến lược phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cũng như các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn trí tuệ nhân tạo (AI)...

Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Choo Kyung-ho nhận định, những thách thức đối với nền kinh tế Hàn Quốc đang “leo thang” còn do sự suy giảm toàn diện của nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư chậm lại. Ông nhấn mạnh rằng, điều quan trọng đối với nước này là tìm kiếm các khoản đầu tư chủ động vào “các lĩnh vực định hướng tương lai” để hồi sinh động lực kinh tế.

Theo đó, thời gian qua, cùng với trọng tâm là những chiến lược phát triển công nghệ thế hệ mới, tăng cường hệ sinh thái chip bán dẫn, nhằm gia tăng cách biệt ở lĩnh vực chip bán dẫn, pin thứ cấp và màn hình… chính phủ Hàn Quốc cũng lần lượt công bố nhiều chiến lược quan trọng như Kế hoạch xúc tiến ứng dụng AI vào đời sống; Chiến lược mở rộng xuất khẩu ngành công nghiệp; Chiến lược phát triển công nghệ năng lượng nguyên tử tương lai; Chiến lược xúc tiến xây dựng các cảng Busan và Jinhae mới…

Không ít người hy vọng, “cơn sốt” AI cũng sẽ giống như “cơn sốt” công nghệ toàn cầu trước đây và kỷ nguyên AI là cơ hội để Hàn Quốc nâng tầm nhìn vượt qua mô hình tăng trưởng cũ, đưa cường quốc kinh tế châu Á trở lại đường đua phát triển.

Tác giả Inseong Jeong của cuốn sách Tương lai của các đế chế bán dẫn, cựu chuyên gia SK Hynix tin tưởng, bằng cách duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất chip tiên tiến, các công ty Hàn Quốc sẽ có nhiều khả năng hưởng lợi từ những đột phá trong tương lai về AI.

Hàn Quốc quyết củng cố mũi nhọn bán dẫn tiên tiến nhất (Nguồn: Linkedin)

Hàn Quốc quyết củng cố mũi nhọn bán dẫn tiên tiến nhất (Nguồn: Linkedin)

Tuy nhiên, các lãnh đạo trong ngành bán dẫn không khỏi lo lắng về sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ đang xuất hiện ở khắp châu Á và phương Tây, cũng như nguy cơ phát triển nhanh chóng của các cụm sản xuất chip trên toàn cầu sẽ dẫn đến tình trạng dư cung và suy giảm lợi nhuận của ngành.

Đối với những người đặt nhiều kỳ vọng, những cảnh báo về tương lai kinh tế Hàn Quốc có vẻ bị thổi phồng quá mức. Với những tên tuổi hàng đầu thế giới, từ Samsung, SK, LG… các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn có những chỗ đứng không hề mờ nhạt trong các lĩnh vực từ quốc phòng, xây dựng… đến dược phẩm, xe điện và giải trí. Họ cũng đang chứng tỏ sự nhanh nhạy hơn so với nhiều đối tác phương Tây, cũng như sớm tìm kiếm sự tăng trưởng mới ở Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.

Trong khi đó, cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc có vẻ đang tạo lợi thế cho Hàn Quốc khi các đối thủ Trung Quốc trong các lĩnh vực “hot” hiện nay, như chip, pin và công nghệ sinh học bị hạn chế hoặc cấm thâm nhập vào các thị trường phương Tây đang phát triển.

Trong một bài phân tích trên tờ FT mới đây, các nhà kinh tế lo ngại, quyết tâm của chính phủ còn gặp nhiều thách thức khác. Như để vượt qua những rào cản tìm lại động lực bứt phá, Hàn Quốc cần cải thiện những vấn đề vốn đã tồn tại dai dẳng trong nền kinh tế chưa đạt nhiều tiến triển, như sự phụ thuộc vào các tập đoàn lớn, tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, khủng hoảng nhân khẩu học…

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok vẫn giữ niềm tin, “phép màu kinh tế Hàn Quốc” vẫn chưa kết thúc, khi chính phủ quyết tâm thiết kế lại các chính sách giải phóng sự năng động một lần nữa. Ngày 23/5, Tổng thống Yoon Suk Yeol tung gói hỗ trợ ngành sản xuất chip trị giá 26.000 tỷ Won (19 tỷ USD) quyết củng cố mũi nhọn trọng yếu của nền kinh tế, tập trung từ hỗ trợ tài chính, sáng kiến nghiên cứu và phát triển, cũng như hạ tầng cho các nhà sản xuất chip, nhà cung cấp vật liệu và các công ty chuyên ngành…

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuong-quoc-kinh-te-chau-a-tim-thay-huong-di-moi-273140.html