Cương quyết chống hàng giả trong thương mại điện tử

Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, mới đây Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đây tiếp tục là chỉ đạo cương quyết, mạnh mẽ đối với tệ nạn này.

Thêm quyết liệt

Thực tế, việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… trong thương mại truyền thống đã là vấn nạn, xảy ra ở nhiều thời kỳ, các nền kinh tế đều tìm mọi cách để giảm thiểu, khó có thể diệt trừ hoàn toàn. Không chỉ vậy, cùng với việc xuất hiện các mô hình thương mại mới trên nền tảng điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, thì tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trên môi trường này lại được dịp nở rộ.

Thời gian qua, lực lượng chức năng, mà tiên phong là đội ngũ Quản lý thị trường cả nước, Ban Chỉ đạo 389 Trung ương và các tỉnh, Cảnh sát kinh tế…, luôn tích cực đấu tranh, ngăn chặn nhiều vụ việc lớn có vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Tính riêng những tháng đầu năm 2023, ngày 1.3 lực lượng Quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện 2 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng xã hội Facebook, thu giữ số lượng lớn sản phẩm giày dép, điện thoại di động. Trước đó, cuối tháng 2, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và thu giữ nhiều hàng hóa là mỹ phẩm, sữa bột vi phạm…

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc do lực lượng Quản lý thị trường đấu tranh, phát hiện và xử lý, thực tế tình trạng buôn bán hàng giả trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn nhiều bức xúc. Mặc dù quy định về kiểm tra, kiểm soát thương mại điện tử đã được Bộ Công thương ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, song công tác triển khai trên thực tế còn gặp không ít khó khăn. Điều 63, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn quy định: hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động có thể bị xử phạt từ 40 - 50 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm.

Với sự ra đời của Đề án mới này, hy vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, khách hàng được bảo đảm. Đề án còn bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững tại Việt Nam.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra tại cơ sở bán hàng online. Nguồn: ITN

Lực lượng chức năng đang kiểm tra tại cơ sở bán hàng online. Nguồn: ITN

Những mục tiêu, giải pháp cụ thể

Đề án của Chính phủ mới ban hành, cho đến nay là văn bản hoàn thiện nhất về hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, nội dung có đề cập cả hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Trong đề án, có nội dung mục tiêu phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Với đề án này, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử sẽ được đào tạo, trang bị kiến thức về lĩnh vực này, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hy vọng trong tương lai gần, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn sẽ ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẽ được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên cơ sở những mục tiêu đặt ra, Đề án đã đề ra 6 giải pháp nhằm hiện thực hóa gồm: hoàn thiện quy định pháp lý về thương mại điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả; phát triển hạ tầng, thiết bị bảo đảm an ninh an toàn thông tin; nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong hoạt động thực thi pháp luật; nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia; hợp tác quốc tế về công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Đề án còn có nguồn kinh phí Nhà nước để thực hiện sẽ là nguồn lực khả thi đem lại những thành công. Đề án đã giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành và địa phương không đứng ngoài cuộc, nhằm lành mạnh hóa giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể, giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng kế hoạch nội dung thực hiện, Bộ Công an huy động lực lượng vào cuộc, Bộ Thông tin và Truyền thông công khai tên và địa chỉ trụ sở người bán hoặc đại diện, ủy quyền của người bán; Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Thuế và Hải quan sử dụng những "công cụ" của mình; Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường thanh tra về đo lường và sở hữu trí tuệ; Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn các giao dịch thanh toán, chuyển tiền khi phát hiện vi phạm…

Từ Thức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/cuong-quyet-chong-hang-gia-trong-thuong-mai-dien-tu-i322122/