Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ và nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương hầu tòa

Ngày 20/11, Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (viết tắt là Công ty Xuyên Việt Oil) đối với 15 bị cáo; trong đó có bị cáo Lê Đức Thọ (SN 1970 quê Phú Thọ), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietinbank (từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021), nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre (từ tháng 7/2021 đến tháng 9/2023).

Phiên tòa do Thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM thực hiện quyền công tố tại tòa theo phân công của VKSND Tối cao. Dự kiến phiên xét xử sơ thẩm kéo dài đến ngày 5/12/2024.

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm ngày 20/11/2024.

Các bị cáo tại phiên sơ thẩm ngày 20/11/2024.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Đức Thọ bị xét xử về tội: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979 quê Đồng Nai), nguyên Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Xuyên Việt Oil; Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992 quê Quảng Trị), nguyên Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil cùng bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Nhóm bị cáo gồm: Trần Duy Đông (SN 1978, quê Hải Phòng), nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trước khi bị khởi tố là Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương; Hoàng Anh Tuấn (SN 1977, quê Bắc Giang), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương; Lê Duy Minh (SN 1972, quê TP.HCM), nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM; Phan Kiến Anh (SN 1969 quê Thái Bình), nguyên Giám đốc Chi nhánh Phân phối Sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn; Đỗ Thắng Hải (SN 1963, quê Hải Phòng), nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Lộc An (SN 1965, quê Nghệ An), nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; Đặng Công Khôi (SN 1973, quê Hải Phòng), nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cùng bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.

Trong khi đó nhóm bị cáo Nguyễn Văn Thắng (SN 1977, quê Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil; Đồng Xuân Dũng (SN 1980, quê Nghệ An), lao động tự do; Vũ Trung Thành (SN 1981 quê Hà Nội), nguyên Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Thanh Xuân; Đinh Tiến Dũng (SN 1967, quê Tiền Giang), nguyên Kế toán trưởng Công ty Xuyên Việt Oil; Nguyễn Tấn Long (SN 1988, quê Quảng Nam), nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Xuyên Việt Oil bị xét xử cùng về tội “Đưa hối lộ”.

Trong vụ án này, các bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Lê Đức Thọ, Hoàng Anh Tuấn, Lê Duy Minh, Phan Kiến Anh, Nguyễn Lộc An, Nguyễn Văn Thắng bị áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên”. Đồng thời bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh được xem xét tình tiết giảm nhẹ hình phạt gồm “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, “tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án” .

Ngoài việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án, có thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, các bị cáo khác còn chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả.

Cụ thể, bị cáo Lê Đức Thọ và gia đình đã nộp 16,7 tỷ đồng, bị cáo Trần Duy Đông và gia đình đã nộp toàn bộ 120.000 USD (tương đương 3 tỷ đồng), bị cáo Hoàng Anh Tuấn và gia đình đã nộp 105.000 USD, bị cáo Lê Duy Minh và gia đình đã nộp 2,9 tỷ đồng, bị cáo Phan Kiến Anh và gia đình đã nộp 50.000 USD và hơn 509 triệu đồng. Bị cáo Đỗ Thắng Hải và gia đình đã nộp 730 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Lộc An và gia đình đã nộp 100 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Văn Thắng và gia đình đã nộp 1 tỷ đồng, bị cáo Vũ Trung Thành và gia đình đã nộp 300 triệu đồng, bị cáo Đặng Công Khôi và gia đình đã nộp toàn bộ 20.000 USD, bị cáo Nguyễn Tấn Long và gia đình đã nộp 100 triệu đồng.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao: Vụ án được điều tra xuất phát từ đơn tố giác về tội phạm phản ánh Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil sử dụng trái phép tài sản Nhà nước; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng tài sản, gây thất thoát 214 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) và 1.246,1 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.

Cáo trạng của VKSND Tối cao kết luận: Để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016, năm 2021, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG), được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu với PVNDB, được Cục thuế TP.HCM chậm ban hành Quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế và xin phê duyệt hạn mức tín dụng cho Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank, từ năm 2016 đến năm 2022, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 22 lần, tổng số gần 31,6 tỷ đồng cho các bị cáo Nguyễn Lộc An, Đỗ Thắng Hải, Trần Duy Đông, Hoàng Anh Tuấn, Phan Kiến Anh, Đặng Công Khôi, Lê Duy Minh và Lê Đức Thọ.

Sau khi trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Mai Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Như Phương đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gây thất thoát hơn 219 tỷ đồng. Mai Thị Hồng Hạnh vi phạm về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát hơn 1.244 tỷ đồng. Bị cáo Lê Đức Thọ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 3 lần với số tiền hơn 22 tỷ đồng.

Bị cáo Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ 3 lần, tổng số gần 6 tỷ đồng của Mai Thị Hồng Hạnh; Trần Duy Đông đồng phạm với Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ 5,65 tỷ đồng của Mai Thị Hồng Hạnh; Lê Duy Minh nhận hối lộ 5 lần với tổng số hơn 4,8 tỷ đồng của Mai Thị Hồng Hạnh. Bị cáo Phan Kiến Anh nhận hối lộ 6 lần tổng số hơn 3,2 tỷ đồng của Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Tấn Long; Đỗ Thắng Hải nhận hố lộ hơn 1,1 tỷ đồng của bị can Mai Thị Hồng Hạnh. Tương tự, bị cáo Nguyễn Lộc An nhận hối lộ 4 lần với tổng số tiền hơn 921 triệu đồng của Mai Thị Hồng Hạnh; bị cáo Nguyễn Văn Thắng giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 3 lần với tổng số tiền hơn 7,1 tỷ đồng cho Hoàng Anh Tuấn và Trần Duy Đông.

Bị cáo Đồng Xuân Dũng giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 6,789 tỷ đồng cho Trần Duy Đông và Hoàng Anh Tuấn; Vũ Trung Thành giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ hơn 6,9 tỷ đồng cho Lê Đức Thọ; Nguyễn Thị Như Phương giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh vi phạm về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, liên đới gây thiệt hại hơn 219 tỷ đồng. Bị cáo Đặng Công Khôi nhận hối lộ hơn 459 triệu đồng của Mai Thị Hồng Hạnh; bị cáo Đinh Tiến Dũng giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ hơn 459 triệu đồng cho Đặng Công Khôi; bị cáo Nguyễn Tấn Long giúp sức cho Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ hơn 469 triệu đồng cho Phan Kiến Anh.

Mở rộng giai đoạn 2

Đáng chú ý, cáo trạng của VKSND Tối cao thể hiện việc cơ quan tố tụng tách một số nội dung vụ án để giải quyết trong giai đoạn 2. Cụ thể là đối với các dấu hiệu sai phạm liên quan đến khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank - Chi nhánh Bến Tre và dấu hiệu sai phạm liên quan đến các khoản vay của Công ty Xuyên Việt Oil tại Vietinbank, Agribank, BIDV, SHB. Đến nay, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có kết luận định giá tài sản liên quan các khoản vay. Do đó, ngày 30/8/2024, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tách hành vi, tài liệu về vấn đề này để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đối với dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc Nguyễn Như Nguyện bán ngoại tệ USD cho bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và việc ký kết, thực hiện Hợp đồng mua bán xăng dầu, xuất Hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty Xuyên Việt Oil cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư phát triển Hoàng Sơn liên quan đến việc mua bán xăng dầu giữa Công ty TNHH Dịch vụ đầu từ Vạn Đạt với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh. Ngày 30/8/2024, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an tách hành vi, tài liệu về vấn đề này để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cuu-bi-thu-tinh-uy-tinh-ben-tre-le-duc-tho-va-nguyen-lanh-dao-bo-cong-thuong-hau-toa-180878.html