Cựu Bí thư Vĩnh Phúc nộp 20 tỷ, đề nghị sử dụng hai lô đất 34 tỷ đồng khắc phục hậu quả
Theo cáo trạng, bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Vĩnh Phúc đã nộp 20 tỷ đồng và đề nghị được sử dụng hai lô đất mua từ Hậu 'Pháo', trị giá hơn 34 tỷ đồng dùng vào việc khắc phục hậu quả. Bà Lan bị cáo buộc nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ Hậu.
Nhận hàng triệu USD và hàng chục tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án liên quan đến Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn).
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010 - 2023, Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi và Vĩnh Long, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 1.168 tỷ đồng.
Trong đó, hậu quả thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định về kế toán là 504 tỷ đồng, từ việc xác định lại giá đất là 204 tỷ, từ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là 459 tỷ.

Các bị can (từ trái qua): Hoàng Thị Thúy Lan và Lê Duy Thành. Ảnh: Bộ Công an.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập từ năm 2004 ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH thương mại và xây dựng Phúc Sơn. Ngoài pháp nhân này, để phục vụ hoạt động kinh doanh, Hậu "pháo" còn thành lập, điều hành một số công ty khác, hình thành "hệ sinh thái" Phúc Sơn.
Ban đầu, quy mô của doanh nghiệp ở mức vừa phải, hoạt động trong cấp huyện về xây lắp. Sau đó, dưới sự điều hành của Hậu "pháo", doanh nghiệp này dần mở rộng địa bàn, "thâu tóm" hàng loạt dự án lớn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đặc biệt, Hậu "pháo" bị cáo buộc dùng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, cấu kết với nhiều quan chức địa phương để những người này thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu hoặc đề nghị của Hậu.
Mục đích để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Hậu trúng thầu các dự án, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Cáo trạng xác định, đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng xác định Hậu "pháo" dùng 72,5 tỷ đồng và 2,62 triệu USD (tổng số hơn 132 tỷ đồng) để hối lộ cho nhóm bị can là quan chức tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi và đưa tiền cho một số người khác.
Trong đó, tại Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD từ Hậu "Pháo".
Cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD. Ông Phạm Hoàng Anh, cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy nhận 400 triệu đồng và 20.000 USD.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn còn chi tiền cho ông Nguyễn Văn Khước, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh 20.000 USD, và bán cho ông một lô đất giúp hưởng chênh lệch 3 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Hậu "Pháo" đã đưa cho ông Đặng Văn Minh, cựu Giám đốc Sở GTVT tỉnh 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD.
Trong đó, ông Đặng Văn Minh hưởng lợi cá nhân 10,6 tỷ đồng và 40.000 USD. Ông Minh đã chuyển cho cựu Bí thư tỉnh Lê Viết Chữ 6 tỷ đồng và chuyển cho cựu Chủ tịch tỉnh Cao Khoa 6 tỷ cùng 20.000 USD.
41 bị can nộp khắc phục bao nhiêu tiền?
Quá trình điều tra, truy tố vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn, VKSND Tối cao nhận thấy còn nhiều sơ hở, thiếu sót trong các quy định pháp luật và công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản, là những yếu tố tạo điều kiện cho hành vi phạm tội của các bị can.
VKSND Tối cao xác định Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã thiếu kiểm tra, giám sát, không kịp thời phát hiện sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan. Cơ quan tố tụng kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, đấu thầu, chuyển nhượng đất, định giá tài sản và thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.
Viện Kiểm sát cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung chính sách, giải pháp để khắc phục bất cập và phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Hậu tại cơ quan công an. Ảnh: Bộ Công an.
Theo cáo trạng, quá trình điều tra cho thấy hầu hết các bị can trong vụ án liên quan Tập đoàn Phúc Sơn, đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng.
Đáng chú ý, nhiều bị can đã tự nguyện nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền đã nhận, nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Trong đó, bị can Nguyễn Văn Hậu nộp hơn 84 tỷ đồng; bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nộp 20 tỷ đồng và đề nghị sử dụng hai lô đất mua từ Hậu "Pháo" (trị giá hơn 34 tỷ đồng) để khắc phục toàn bộ hậu quả.
Quá trình điều tra, bị can Lê Duy Thành đã tự nguyện nộp số tiền 15 tỷ đồng và 830.000 USD (khoảng hơn 21 tỷ đồng). Trong khi đó, khi tiến hành khám xét tại nơi ở của bị can, cơ quan chức năng thu giữ thêm 10,5 tỷ đồng và 800.000 USD.
Gia đình bị can Lê Duy Thành đã đề xuất sử dụng một phần tài sản thu giữ này để khắc phục toàn bộ số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ. Ngoài ra, bị can cũng bày tỏ nguyện vọng sử dụng 100 triệu đồng từ tài sản trên để góp phần khắc phục hậu quả chung liên quan đến vụ án.
Ngoài ra, nhiều bị can Nguyễn Văn Khước, Hoàng Văn Nhiệm, Phạm Hoàng Anh, Đặng Văn Minh, Lê Viết Chữ… cũng đã tự nguyện nộp lại hàng tỷ đồng, hàng chục nghìn USD.
Như vậy, tổng 41 bị can đã nộp hơn 185,8 tỷ đồng và 900.000 USD để khắc phục hậu quả thiệt hại của vụ án.