Cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nhận bao nhiêu tiền từ Tập đoàn Phúc Sơn?

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, bị can Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn), ngoài vi phạm tại các dự án, gói thầu ở Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, còn có vi phạm liên quan tới các gói thầu ở tỉnh Phú Thọ.

Như Báo SGGP đã thông tin, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn ra trước Tòa án nhân dân TP Hà Nội để chuẩn bị xét xử. Trong cáo trạng truy tố các bị can, cơ quan công tố cáo buộc các cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ có vi phạm trong dự án đầu tư xây dựng Trung tâm lễ hội (giai đoạn 2) thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (dự án trung tâm lễ hội).

Cáo trạng xác định, tháng 3-2009, Tỉnh ủy Phú Thọ có thông báo thống nhất thực hiện dự án trên, sau đó, ông Nguyễn Doãn Khánh (thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh) có văn bản xin phép Thủ tướng cho tỉnh Phú Thọ được áp dụng hình thức chỉ định thầu với 6 dự án trên. Thủ tướng đồng ý, sau đó, ông Khánh ký quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 461 tỷ đồng và giao Khu di tích lịch sử Đền Hùng làm chủ đầu tư.

 2 cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng (trái) và Nguyễn Doãn Khánh

2 cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng (trái) và Nguyễn Doãn Khánh

Cuối năm 2008, đầu năm 2009, Nguyễn Văn Hậu đã gặp, đặt vấn đề với ông Nguyễn Tiến Khôi (thời điểm này là Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng) để Tập đoàn Phúc Sơn được thực hiện các gói thầu. Ông Khôi dẫn Hậu lên gặp ông Ngô Đức Vượng (thời điểm này là Bí thư Tỉnh ủy) tại trụ sở làm việc. Tại đây, Hậu trình bày, đặt vấn đề và đề nghị ông Vượng ủng hộ, tạo điều kiện; ông Vượng đồng ý và chỉ đạo ông Khôi báo cáo, xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh.

Cáo trạng viết, ông Nguyễn Tiến Khôi đưa Hậu đến gặp ông Nguyễn Doãn Khánh và được ông Khánh đồng ý, tạo điều kiện được tham gia đấu thầu, trúng thầu, thực hiện thi công dự án trên.

Để tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn được chỉ định thầu, ông Nguyễn Doãn Khánh đã ký văn bản gửi Thủ tướng đề nghị cho áp dụng hình thức chỉ định thầu xây dựng dự án với lý do “đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010…”, và được Thủ tướng đồng ý chủ trương.

Hồ sơ vụ án thể hiện, sau đó, những cá nhân tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Doãn Khánh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Nguyễn Văn Hậu tham gia dự án, thậm chí, hồ sơ của Tập đoàn Phúc Sơn không đủ năng lực, nhưng vẫn được các bị can tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng “tạo điều kiện”. Các bị can ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn tiết lộ, cung cấp thông tin gói thầu để Nguyễn Văn Hậu nộp các bộ hồ sơ.

Quá trình tổ chức thi công, Khu di tích lịch sử Đền Hùng không thực hiện vai trò quản lý, giám sát, để Tập đoàn Phúc Sơn sử dụng 4 công ty khác không được chủ đầu tư phê duyệt làm nhà thầu phụ thi công. Qua đó, Nguyễn Văn Hậu và Tập đoàn Phúc Sơn hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 33,4 tỷ đồng từ nguồn tiền của chủ đầu tư thanh toán.

Cũng tại tỉnh Phú Thọ, cơ quan công tố còn cáo buộc, do có mối quan hệ được thiết lập trong quá trình thi công dự án trung tâm lễ hội, khi ông Nguyễn Doãn Khánh được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Hậu tiếp tục liên hệ, đặt vấn đề và được ông Khánh đồng ý cho Tập đoàn Phúc Sơn tham gia thi công gói thầu phòng chống cháy rừng. Quá trình thực hiện, các bị can ở địa phương Phú Thọ đã hợp thức chỉ định thầu cho Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu mà không cần đánh giá năng lực thi công. Trong gói thầu này, các bị can đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 21,5 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu, quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Ngô Đức Vượng đã nhận tổng số 500 triệu đồng từ Nguyễn Văn Hậu; ông Nguyễn Doãn Khánh đã nhận tổng số 1,5 tỷ đồng. Cả 2 cựu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

GIA KHÁNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuu-lanh-dao-tinh-phu-tho-nhan-bao-nhieu-tien-tu-tap-doan-phuc-son-post793161.html