Cựu binh Mỹ trao trả kỷ vật liệt sĩ Việt Nam sau 58 năm giữ kín
Chiếc hộp chứa đựng ký ức chiến tranh sau 58 năm được trao lại cho gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt trong chương trình 'Vang mãi khúc khải hoàn' gây xúc động.
Tối 27/4, cầu truyền hình cấp quốc gia Vang mãi khúc khải hoàn diễn ra đầy trang trọng, kết nối 3 địa điểm lịch sử: Hà Nội, Quảng Trị và TP.HCM.
Video: Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động giây phút di ảnh được trao về với gia đình liệt sĩ
Một trong những khoảnh khắc xúc động trong chương trình là cuộc gặp gỡ và trao kỷ vật tại đầu cầu TP.HCM. Khoảnh khắc đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả, trở thành minh chứng sống động cho sự hàn gắn, thấu hiểu và tình người vượt lên mọi đau thương chiến tranh.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa ông Adolph Novello - một cựu binh Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt ở Việt Nam.

Liệt sĩ Kha Văn Việt hy sinh khi vừa tròn 20 tủoi, không để lại cho gia đình bất kì kỷ vật nào.
Liệt sĩ Kha Văn Việt sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Thái ở một xã miền núi nghèo thuộc huyện Tương Dương, Nghệ An. Lúc 17 tuổi, ông được đi bộ đội vì có sức khỏe tốt lại nhanh nhẹn và gan lì. Hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, vào đúng năm 1967 đầy ác liệt, liệt sĩ Việt không để lại cho gia đình bất kì kỷ vật nào. Những gì còn lại để nhớ về ông chỉ còn tờ giấy báo tử và tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Ông Adolph Novello từng tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn ác liệt 1967 – 1968, thuộc Đại đội E, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Thủy quân lục chiến, quân đội Hoa Kỳ. Trong những ngày tháng khốc liệt ấy, nhiệm vụ sau mỗi trận đánh của những người lính như ông là lục soát thi thể đối phương để tìm kiếm thông tin đơn vị.
"Tôi tận mắt nhìn thấy người lính Việt trúng bom Napal, họ bốc cháy, gào thét. Đó là ngày đầu tiên của tôi. Tôi thật sự không thể nói về điều đó. Chúng tôi luôn được lệnh phải lục soát thi thể sau mỗi trận đánh để tìm thông tin về đơn vị của họ.Người đàn ông tôi lục soát không có thông tin gì, tôi giữ lại những thứ tìm được, không bỏ đi, vì thế tôi có chiếc hộp đó", ông Adolph Novello nghẹn ngào nhớ lại.

Ông Adolph Novello, cựu chiến binh Mỹ nghẹn ngào chia sẻ về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Với ông, sự tàn khốc của chiến tranh vẫn như những đoạn phim đen trắng lặp đi lặp lại trong ký ức mà ông luôn tìm cách tránh né. Tất cả được ông giữ kín trong tim và đóng chặt trong một chiếc hộp.
"Tôi sợ mở nó ra, chưa từng dám nhìn vào trong. Vì tôi không đủ dũng khí, can đảm để mở nó ra, đối diện với những gì bên trong. Tôi không muốn, cứ nghĩ, chiếc hộp còn được đóng kín, dán lại thì quá khứ sẽ không thể quay về được", ông nói thêm. Trước khi rời xa cuộc đời, ông muốn gia đình mình biết rõ hơn về cuộc chiến ở Việt Nam, điều mà ông chưa từng thực sự chia sẻ. Đây là một trong những lý do thôi thúc ông mở chiếc hộp đã dán kín suốt nửa thế kỷ.
Và khoảnh khắc chiếc hộp được mở ra đã mang đến một sự thật đầy ám ảnh nhưng cũng rất con người. Nhận ra rằng người lính đối diện cũng có một cuộc sống, có những người thân yêu đang chờ đợi, ông cảm thấy thật bất công với gia đình liệt sĩ khi những kỷ vật này không được trở về với họ.
Từ suy nghĩ đó, ông Adolph Novello đã ấp ủ một nguyện vọng cháy bỏng là muốn mang những giấy tờ và kỷ vật này trao lại cho thân nhân của người liệt sĩ. Đó là một hành trình tìm kiếm và kết nối đầy ý nghĩa.
Trong chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn, khán giả cả nước đã chứng kiến giây phút hiêng liêng và xúc động: màn trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt. Do lý do sức khỏe, ông Adolph Novello không thể có mặt trực tiếp tại đầu cầu TP.HCM, nhưng ông đã gửi gắm tâm nguyện và chiếc hộp kỷ vật qua đại diện ê-kíp chương trình.

Đại diện gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt được nhận lại những kỷ vật vô giá.
Chiếc hộp được trao cho đại diện gia đình liệt sĩ. Đó là những kỷ vật nhỏ bé về kích thước, nhưng lại mang sức nặng khổng lồ của lịch sử, của chiến tranh và của tình người. Bên trong chiếc hộp ấy là những kỷ vật vô giá: giấy chứng minh nhân dân của liệt sĩ Kha Văn Việt, giấy giới thiệu sinh hoạt đoàn lúc hy sinh ở tuổi 20, giấy báo khen thưởng, và cả giấy chứng nhận bị thương.
Và đặc biệt, trong chiếc hộp còn có một tấm hình - tấm hình duy nhất mà gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt chưa từng được thấy. Đó là hình ảnh một người thanh niên với ánh mắt cương nghị, đầy sức sống của tuổi 20.
Đại diện gia đình, ông Kha Dương Tiến - anh họ của liệt sĩ Kha Văn Việt, đã có mặt để đón những kỷ vật của em trai. Giây phút nhận lại chiếc hộp, ông Kha Dương Tiến đã bật khóc nức nở, xúc động cầm chặt chúng trong tay. Ông nghẹn ngào nói: "Đúng em của tôi rồi. Tôi Kha Dương Tiến, anh họ liệt sĩ Kha Văn Việt, quê ở Tương Dương, Nghệ An, đến đón kỷ vật của em tôi về".
Giây phút ấy, sau nhiều năm dài không có lấy một tấm hình để thờ phụng, người liệt sĩ trẻ Kha Văn Việt như đã "trở về" trọn vẹn hơn trong vòng tay gia đình.
Để giúp gia đình có một kỷ vật thiêng liêng và trang trọng hơn, chương trình đã dành tặng món quà ý nghĩa là tấm ảnh của người liệt sĩ được phóng lớn, phục chế và làm thành bức ảnh thờ. Bức ảnh được trao gửi lại cho gia đình trong niềm xúc động khôn nguôi của tất cả những người chứng kiến.

Tấm ảnh duy nhất của liệt sĩ được phóng lớn, phục chế và làm thành bức ảnh thờ thiêng liêng.
Cuộc trao trả kỷ vật thiêng liêng này, những kỷ vật đã được người cựu binh Mỹ giữ gìn suốt cả cuộc đời, là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chiến tranh dù tàn khốc đến đâu rồi cũng sẽ đi qua. Con người, dù ở hai chiến tuyến, cuối cùng cũng sẽ gặp nhau ở sự thấu hiểu, ở tình yêu thương, cùng chung một mong mỏi hướng đến hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Câu chuyện này là minh chứng cho tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam và những nỗ lực hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho mối quan hệ giữa hai nước.