Cựu binh Trần Thanh Tiêm và 'báu vật' trong thùng đạn
K10 là một tiểu đoàn Đặc công anh hùng của tỉnh Quảng Trị, lập rất nhiều chiến công nhưng hoạt động và hy sinh lặng lẽ, ít người biết đến. Đại đội trưởng Trần Thanh Tiêm cũng là một người thầm lặng, sâu lắng như thế. Chỉ khi nào nhắc đến quyển sổ 'báu vật' ghi chép thời gian, địa chỉ, nơi chôn cất đồng đội K10 hy sinh thì ông như sống trở lại những ngày cùng đất nước hừng hực khí thế chiến đấu để giải phóng quê hương, thống nhất trọn vẹn non sông.
“Báu vật” của Đặc công K10 anh hùng
Những ngày tháng Tư này, cựu chiến binh, thương binh Trần Thanh Tiêm ở Khu phố 8, Phường 1, thành phố Đông Hà, đã bước sang tuổi 78, luôn nhớ khắc khoải về đồng đội của mình, những chiến sĩ Đặc công K10 còn sống và đã hy sinh.
Tháng 2/1965, ông Tiêm vinh dự được tham gia Đặc công K10, trực tiếp tham gia đánh vào các địa điểm quan trọng tại Quảng Trị được lính của chế độ miền Nam cũ bảo vệ nghiêm ngặt như cầu Lai Phước, cầu Trắng, cầu Dài… trên quốc lộ 1. Mỗi lần ra trận là khi màn đêm buông xuống, trên người chỉ có một cái quần đùi và được bôi đen toàn thân bằng bột rau khoai giã nát trộn với phẩm có màu xanh đen. Đầu tóc được nhuộm xanh đen và buộc kín để khi bò vào hàng rào, bốt gác, quân địch rọi đèn, tóc không bị ánh lên, gây lộ mục tiêu.
Trận đánh đầu tiên trong đời ông còn nhớ mãi là trận đánh vào cứ điểm Đầu Mầu ở huyện Cam Lộ. Rồi ông cùng đồng đội liên tiếp đánh ở các vị trí Dốc Miếu, bây giờ thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh; đánh vào quận lỵ Triệu Phong. Từ năm 1965-1966, chiến trường Quảng Trị bước vào giai đoạn cực kỳ ác liệt, quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến, muốn biến Quảng Trị thành vành đai trắng. Phía ta nhận định, nếu chỉ đánh bằng bộ binh thì rất khó thắng, nên cần bổ sung thêm đặc công. Vì vậy năm 1966 tiểu đoàn Đặc công K10 được bổ sung nhiều chiến sĩ từ miền Bắc vào. Đặc công K10 đến lúc này có 3 đại đội, ông Tiêm là đại đội trưởng của đại đội 3.
Ông Tiêm kể, trận đánh vào cứ điểm La Vang năm 1967, Đặc công K10 chỉ có 120 người nhưng đánh bại một sư đoàn của địch. Mỗi đội đặc công gồm ba người với một khẩu súng, vũ khí chủ yếu là thủ pháo. Mỗi người mang theo bên mình từ 12 đến 14 quả thủ pháo, có trọng lượng mỗi quả từ 0,4 đến 0,6 kg để thi hành nhiệm vụ. Giữa đêm, giờ G đến, đặc công xung trận, doanh trại của địch chìm trong thủ pháo của quân ta nên hoảng loạn tìm chỗ trú ẩn, quân ta nhanh chóng tiến vào tiêu diệt gọn. Ông Tiêm day dứt, tại trận đánh này có 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Chiến sĩ Đặc công K10 anh hùng là vậy, mỗi khi xung trận đều không xác định ngày trở về. Họ ra trận không để lại một dòng địa chỉ, ngay cả gương mặt cũng khó nhận diện vì đã bôi bằng rau khoai và phẩm. Năm 1969, ông Tiêm được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và nhiều phần thưởng khác; rồi được cấp trên cho ra miền Bắc học tập tại Trường nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Đặc công. Hai năm sau ông trở về Quảng Trị tiếp tục tham gia nhiệm vụ trong quân đội cho đến ngày đất nước giải phóng rồi chuyển ngành công tác đến khi nghỉ hưu.
Có một chi tiết rất quan trọng là Đặc công K10 có một quyển sổ ghi danh sách chiến sĩ của đơn vị kèm theo quyển sổ ghi những liệt sĩ hy sinh. Đặc biệt, tại quyển sổ ghi liệt sĩ hy sinh được chia thành những cột rất rõ ràng: Họ tên, cấp bậc, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày vào Nam, ngày hy sinh, nơi chôn cất, người biết nơi chôn cất, liên lạc với ai khi cần… Sau ngày giải phóng đất nước, Đặc công K10 Quảng Trị ai cũng nặng lòng, băn khoăn do cả hai quyển sổ này bị thất lạc trong chiến tranh. Vì trước đó, trong một lần bị địch bao vây, để bảo toàn lực lượng và giữ được hai quyển sổ quý như báu vật, các chiến sĩ Đặc công K10 đặt hai quyển sổ vào hòm đạn và chôn trong vườn của một gia đình ở khu vực trằm Trà Lộc, nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng.
Tình cờ, vào năm 2001, người dân phát hiện được thùng đạn, mở ra bên trong có hai quyển sổ nói trên, màu mực còn rõ nên kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng. Ông Trần Thanh Tiêm là người may mắn được các liệt sĩ giao trọng trách giữ quyển sổ này. Ông Tiêm nhớ lại: Cầm hai quyển sổ trên tay, tôi mừng đến chảy nước mắt, như tìm được báu vật của đơn vị. Từ hai quyển sổ này, khoảng cách để hài cốt liệt sĩ Đặc công K10 về với gia đình, quê hương và đồng đội sẽ gần hơn. Những ngày sau đó, ông ngồi chép lại đầy đủ thông tin từ hai quyển sổ, rồi mới nhờ người đánh máy lại rõ ràng. Hai quyển sổ gốc ông gửi tặng Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Cuốn sổ thứ nhất là danh sách Đặc công K10 Quảng Trị được ghi chép lý lịch trích ngang của 360 cán bộ, chiến sĩ từ năm 1967 đến 1969. Người được ghi tên đầu tiên là đại úy Nguyễn Văn Nhàn, tiểu đoàn trưởng, quê ở thôn Trăng, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc; chiến sĩ cuối cùng trong danh sách có tên Nguyễn Văn Thanh, quê ở xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Quyển sổ thứ hai ghi danh sách 235 liệt sĩ của Đặc công K10. Xếp thứ nhất là liệt sĩ Đặng Hữu Phúc, quê ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, hy sinh ngày 29/8/1967, chưa tìm được hài cốt; xếp cuối cùng danh sách là tên liệt sĩ Nguyễn Văn Phú, quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, hy sinh ngày 24/7/1969, chưa tìm được hài cốt.
Nối dài những cuộc tìm kiếm hài cốt đồng đội
Tra cứu thấy hai quyển sổ này mới ghi thông tin từ giai đoạn năm 1967 đến năm 1969 nên thiếu tên của nhiều liệt sĩ, ông đến Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh để xin kiểm tra, đối chiếu, rồi bổ sung thêm danh sách liệt sĩ hy sinh từ năm 1970-1975 với 127 người, cộng thêm danh sách 58 liệt sĩ Đặc công K10 người Quảng Trị hy sinh từ năm 1964-1967. Như vậy, cuốn sổ ghi danh sách liệt sĩ mà ông Tiêm đang giữ có tổng cộng hơn 400 đồng đội.
Rồi ông ngồi viết thư gửi cho gia đình các đồng đội đã hy sinh để báo địa điểm nơi các anh nằm lại. Những lá thư gửi đi, những thân nhân đồng đội tìm về Quảng Trị. Từ đây, thông tin về Đặc công K10 được lần giở, chắp nối lại để có những cuộc hội ngộ đầy nước mắt của những người lính năm xưa. Những lúc này, bà Trần Thị Thanh Xuân, vợ ông Tiêm lại động viên chồng cùng các cựu binh K10, gia đình liệt sĩ lại lên đường, trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội. Nhiều khi gia đình ông Tiêm trở thành chỗ trú chân hàng tuần cho các cựu binh, gia đình liệt sĩ. Liệt sĩ Lưu Tôn Đoàn ở làng Yên Nội, xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một trong những liệt sĩ được gia đình tìm ra hài cốt khá sớm từ quyển sổ quan trọng này. Những cuộc tìm kiếm dưới sự chỉ dẫn của cuốn sổ đã giúp cựu chiến binh Đặc công K10 tìm được hơn 100 hài cốt liệt sĩ là đồng đội. Các anh được ông Tiêm, gia đình và các cựu binh K10 đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị hoặc đưa về quê hương.
Nhưng ông Tiêm và các cựu chiến binh K10 vẫn luôn đau đáu câu hỏi hơn 300 hài cốt của đồng đội bây giờ nằm ở đâu? Bởi vì thực tế chiến trường lúc ấy quá ác liệt, nhiều hài cốt liệt sĩ bị bom đạn địch cày xới nhiều lần. Rồi thực tế hiện trường một thời gian lâu sau ngày đất nước giải phóng đã thay đổi nhiều nên việc tìm kiếm các anh ngày càng khó khăn hơn. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lõn ở Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã ba lần vào Quảng Trị tìm kiếm con em mình. Song vị trí ngày xưa các đồng đội chôn cất liệt sĩ Lõn nay đã bị đất lấp dày lên nhiều mét nên đào tìm kiếm cả ba lần đều chưa có kết quả. Cuộc tìm kiếm các liệt sĩ Đặc công K10 vẫn được ông Tiêm và các đồng đội tiến hành. Những mái đầu bạc lại tiếp tục chụm vào quyển sổ “báu vật”, nhắc tên tuổi đồng đội chưa về kịp với gia đình, quê hương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148029