Cựu cán bộ hải quan nói về số tiền 832 triệu đồng

Cựu cán bộ hải quan cho rằng các bị cáo đến nhà và để tiền ở vị trí mà mình không biết, đến khi biết, 'chưa kịp xử lý' thì bị bắt…

Ngày 6-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa phúc thẩm với phần xét hỏi vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

Hai “ông trùm” trong đường dây buôn lậu này là các bị cáo Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cũng kháng cáo bản án sơ thẩm.

“Ông anh gửi phong bì để uống cà phê”

Tại tòa, bị cáo Thụy cho rằng bản án sơ thẩm tuyên bị cáo mức án 15 năm tù về tội nhận hối lộ là chưa thỏa đáng. Bị cáo không nhận tiền để không kiểm tra các tàu hàng buôn lậu.

“Sau khi bị cáo xác định việc kiểm tra bị lộ và rút quân toàn bộ về để lập kế hoạch sau tết thực hiện thì nhóm Hữu đến nhà và để tiền ở vị trí mà bị cáo không biết. Sau đó vài ngày, bị cáo mới phát hiện ra” - bị cáo Thụy trình bày.

Bị cáo Phan Lê Hoàng Anh tại tòa. Ảnh: TRẦN MINH

Bị cáo Phan Lê Hoàng Anh tại tòa. Ảnh: TRẦN MINH

Chủ tọa hỏi “bị cáo phát hiện ra thì bị cáo có trình báo gì không?”. Bị cáo Thụy tỏ ra vòng vo trước câu hỏi này và nói “chưa kịp xử lý thì bị cáo bị bắt”.

Chủ tọa hỏi tiếp “từ khi nhận được số tiền mà bị cáo Hữu để ở nhà bị cáo cho đến khi bị bắt là bao nhiêu ngày, bị cáo biết được số tiền Hữu để ở nhà mình thì có trình báo gì không?”. Bị cáo Thụy thừa nhận là không.

Chủ tọa lý giải có thể trình báo qua điện thoại nếu bị cáo cho rằng mình không tiếp xúc được do dịch COVID-19.

Tại tòa, bị cáo Hữu cũng thừa nhận mang tiền đến nhà ông Thụy, để trong ngăn bàn, dùng để “làm quen”. Ngoài ra, bị cáo Thụy cũng thừa nhận việc bị cáo Nguyễn Hữu Tứ đưa cho bị cáo một thẻ ATM có số dư 101 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Thụy nói từ chối việc nhận phong bì từ hai bị cáo Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh tại một nhà hàng ở Cần Thơ và cũng không biết hai người này để tiền trong ngăn bàn ở nhà bị cáo. “Mấy ngày sau bị cáo mới biết” - bị cáo Thụy nói.

Luật sư hỏi khi gặp ông Thụy tại một nhà hàng ở Cần Thơ thì bị cáo Tứ có nói gì với ông Thụy không. Bị cáo Tứ trả lời lúc ăn cơm có gửi phong bì cho ông Thụy và chỉ nói “ông anh gửi phong bì để uống cà phê” chứ không nói gì cụ thể. Bị cáo Tứ cũng thừa nhận mình và bị cáo Thanh mang tiền đến nhà ông Thụy.

HĐXX cho biết cấp sơ thẩm cáo buộc tổng số tiền mà bị cáo Thụy đã nhận của các bị cáo Tứ, Thanh, Hữu là 832 triệu đồng. Toàn bộ số tiền nhận hối lộ này đã được bị cáo Thụy nộp cho cơ quan chức năng.

“Ông trùm” được con trai giúp sức tích cực

Trong khi đó, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con ruột bị cáo Hữu) thừa nhận hành vi phạm tội và chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do có các tình tiết giảm nhẹ mới. HĐXX cho biết cấp sơ thẩm đã xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo.

Hồ sơ thể hiện trong đường dây phạm tội có tổ chức của Phan Thanh Hữu thì bị cáo Hoàng Anh đảm nhận việc thanh toán tiền bán xăng nhập lậu với các bị cáo khác và giúp bị cáo Hữu chuyển khoản thanh toán phí vận chuyển, lợi nhuận bán xăng nhập lậu cho nhóm của bị cáo Phạm Hùng Cường.

Tại tòa, bị cáo Hoàng Anh cũng cho biết hiện cấp sơ thẩm đang phong tỏa số tiền gần 20 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Bị cáo đề nghị tòa gỡ lệnh phong tỏa vì số tiền này không liên quan đến hoạt động mua bán xăng dầu do cha mình thực hiện…

Phiên tòa vào chiều 6-4 đã kết thúc phần xét hỏi và sẽ được mở lại vào ngày 11-4 với phần tranh luận.

Xử sơ thẩm hồi tháng 12-2022, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án đối với Phan Thanh Hữu và 73 bị cáo trong đường dây này. Trong đó, tòa tuyên phạt bị cáo Hữu 16 năm tù, Viễn 17 năm tù cùng về tội buôn lậu. Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy bị phạt 15 năm tù về tội nhận hối lộ.

VKS rút kháng nghị đối với 15 bị cáo

Vụ án này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị đối với 28 bị cáo theo hướng tăng nặng hình phạt và không cho các bị cáo được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS đã rút kháng nghị đối với 15/28 bị cáo. Theo VKS, do thời gian gấp rút, việc nghiên cứu, ban hành kháng nghị phúc thẩm chỉ trên cơ sở nội dung bản án sơ thẩm, không có hồ sơ, tài liệu, chứng cứ nào khác.

Sau khi thụ lý hồ sơ phúc thẩm, VKS nhận thấy một số trường hợp mức án sơ thẩm tuyên phạt là tương xứng với vị trí, vai trò và mức độ tham gia giúp sức, nhất là nhóm các bị cáo bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Nhóm các bị cáo là người mua lại xăng để bán lẻ ra thị trường là những người giúp sức với vai trò thứ yếu...

MINH CHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-can-bo-hai-quan-noi-ve-so-tien-832-trieu-dong-post727603.html