Cựu chiến binh cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội
'Chúng tôi may mắn trở về sau khói lửa chiến tranh, được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc nhưng biết bao đồng đội mãi mãi không trở về. Các anh vẫn nằm lại nơi núi cao, thung sâu chờ ngày quy tập về 'mái nhà chung'… Với trách nhiệm, tình cảm của người đồng chí, đồng đội, chúng tôi đang dốc sức, đồng lòng vận động cung cấp thông tin để cùng lực lượng chức năng đi tìm đồng đội' – chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Nguyễn Đức Ninh cũng là câu chuyện xúc động của lớp lớp CCB tỉnh nhà hướng về đồng đội còn nằm lại sa trường.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Hà Giang là chiến trường ác liệt, kéo dài suốt một thập kỷ (1979 – 1989). Trên địa bàn tỉnh có khoảng 16 sư đoàn, 4 lữ đoàn cùng lực lượng địa phương tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới; trên 4,1 nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Trong tổng số gần 3 nghìn liệt sĩ đã quy tập về 9 nghĩa trang liệt sĩ, có gần 700 trường hợp chưa biết danh tính. Hiện vẫn còn hàng nghìn liệt sĩ đang được tìm kiếm, quy tập, thuộc 9/211 khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ, tập trung ở 5 xã biên giới của huyện Vị Xuyên và xã Phú Lũng (Yên Minh), Má Lé, Tả Phìn (Đồng Văn), Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Theo nhận định của cơ quan chức năng, giai đoạn 1979 – 1989, các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên đều có nghĩa trang riêng, nằm sát biên giới (nghĩa trang nhỏ lẻ). Nhưng do chiến tranh ác liệt, kéo dài, nhiều chiến sĩ khi hy sinh không lấy được thi hài, nhiều nghĩa trang liệt sĩ bị pháo bắn phá, cày xới làm mất dấu tích các phần mộ. Khi chiến tranh biên giới kết thúc, một số đơn vị rút quân về tuyến sau, có đơn vị giải thể theo yêu cầu, dẫn đến công tác bàn giao mộ liệt sĩ, nghĩa trang, danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ còn nhiều thiếu sót...
Xuất phát từ thực tiễn trên, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các cấp Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham gia phong trào “Vận động CCB cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội” theo chương trình phối hợp giữa T.Ư Hội CCB với Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 về phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Từ năm 2019 đến nay, Hội CCB tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS), Sở Lao động TB&XH tham mưu Ban Chỉ đạo 515 tỉnh ban hành các kế hoạch khảo sát, xác minh, tìm kiếm, quy tập HCLS; chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động CCB, người dân cung cấp thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, mộ liệt sĩ. Các cấp Hội phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan quân sự địa phương, Ban Liên lạc truyền thống các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tìm kiếm, quy tập HCLS cho hơn 60.000 lượt hội viên và nhân dân…
Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, Phó Đội trưởng Đội Tìm kiếm – Quy tập HCLS (Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ: “6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tìm kiếm trên tổng diện tích 250 ha, sử dụng hơn 1.600 ngày công, đào đắp trên 5.000 m3 đất đá, tìm kiếm được 4 bộ HCLS tại khu vực Điểm cao 685, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Đóng góp vào thành công này, nhiều CCB không quản gian khó, tình nguyện dẫn đường, tham gia tìm kiếm, quy tập HCLS cùng đơn vị”. Thực tế cho thấy, qua phong trào “Vận động CCB cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội”, nhiều tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin giá trị, đóng góp tích cực vào công tác tìm kiếm, quy tập HCLS. Tiêu biểu có thể kể đến: Hội CCB xã Thanh Thủy, Ban Liên lạc Hội Cựu quân nhân Sư đoàn 356 (Quân khu 2) hay cá nhân ông Tráng Văn Ghiệt, Chi hội trưởng Chi Hội CCB thôn Nặm Ngặt; Nguyễn Hữu Phúc, Trương Văn Sảng, Nguyễn Thị Hữu (Hội Cựu quân nhân Sư đoàn 313, phường Minh Khai – thành phố Hà Giang)… Chỉ trong 2 năm (2019 – 2020), từ nguồn tin của CCB và nhân dân cung cấp, Đội Tìm kiếm - Quy tập HCLS đã khảo sát, tìm kiếm, quy tập 69 bộ HCLS (ngoài nghĩa trang) và 1 mộ tập thể tại xã Thanh Thủy. Ngoài cung cấp thông tin, các cấp Hội còn phối hợp với Bộ CHQS, Sở Lao động – TB&XH tham mưu Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức trang trọng 11 lễ truy điệu và an táng HCLS tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên…
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Nguyễn Đức Ninh và Thiếu tá Hoàng Vũ Dũng, điều khiến họ trăn trở nhất là trên dọc tuyến biên giới, nơi có nhiều bộ đội hy sinh, không ít khu vực chưa được rà phá bom mìn, vật nổ dẫn đến khó khăn trong việc khảo sát, tìm kiếm, quy tập HCLS. Thêm vào đó, nhân chứng biết thông tin về thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, danh tính liệt sĩ đã già yếu, trí nhớ giảm hoặc đã mất; địa hình thay đổi do quá trình phát triển KT-XH dẫn đến khó xác định chính xác mộ liệt sĩ. Hơn nữa, thời gian liệt sĩ hy sinh đã lâu làm cho hài cốt bị phân hủy ở mức độ cao; nhiều trường hợp HCLS không còn thân nhân để lấy mẫu phân tích ADN…
Cả nước luôn nghiêng mình tri ân những người con ưu tú đã dành trọn thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc. Trong đó, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS đã trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và nhân dân nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc trong thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và chính sách hậu phương quân đội.