Cựu chiến binh đi đầu trong phát triển kinh tế
Với những nỗ lực, sáng tạo không ngừng trong phát triển kinh tế cùng tinh thần của một người lính Cụ Hồ không bao giờ dừng bước trước mọi khó khăn, cựu chiến binh (CCB) Trần Lương Cương, sinh năm 1953 ở thôn Thượng Xá (Hải Thượng, Hải Lăng) đã xây dựng thành công mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp điển hình trên mảnh đất quê hương với doanh thu bình quân hằng năm khoảng 6 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ông còn là tấm gương sáng hết mình giúp đỡ đồng chí, đồng đội và người dân gặp hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, cây con giống để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn; tích cực tham gia và có nhiều đóng góp về vật chất lẫn tinh thần cho các phong trào, hoạt động ở địa phương.
Hôm chúng tôi đến, ông Trần Lương Cương vẫn đang miệt mài làm việc; lúc thì kiểm tra tình hình chuồng trại nuôi vịt, thức ăn, vệ sinh môi trường, lúc thì hướng dẫn người lao động kỹ thuật nuôi gà, lợn đến việc chăm sóc cây ăn quả…
Với ông Cương, giờ là thời điểm tận hưởng những thành quả sau bao năm gây dựng mô hình kinh tế gia đình. Ông chia sẻ, có được như ngày hôm nay một phần là nhờ được tôi luyện từ trong môi trường quân đội. Ông Cương sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng.
Sớm được nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Lên 8 tuổi, đã tham gia hoạt động cách mạng ở Chiến khu Ba Lòng (Đakrông) với nhiệm vụ giao liên, nắm bắt tình hình hoạt động của địch để báo cho lực lượng cách mạng.
Dù tuổi nhỏ, nhưng Lương Cương rất dũng cảm, không sợ nguy hiểm; luôn tích cực hoạt động cách mạng, được các cấp, cán bộ địa phương và bộ đội ghi nhận, đánh giá cao.
Tháng 8/1969, Lương Cương được đưa ra miền Bắc để học tập. Sau khi đất nước thống nhất, chàng thanh niên Lương Cương trở về quê hương, được bố trí công tác tại Văn phòng Huyện ủy Hải Lăng. Năm 1979, được điều vào quân đội, hoạt động ở nhiều đơn vị khác nhau, cho đến năm 1990, ông hoàn thành nhiệm vụ, trở về làm bí thư chi bộ thôn Thượng Xá và đảm trách nhiều cương vị khác ở địa phương.
Ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được các cấp, ngành và người dân ghi nhận, đánh giá cao bởi những cống hiến hết mình.
Năm 2005, CCB Lương Cương quyết định lên vùng đồi cát ở thôn Thượng Xá để phát triển mô hình kinh tế trang trại. Ông kể lại, lúc bấy giờ, vùng đồi cát ở thôn Thượng Xá hoang vu, chưa được chú trọng khai thác.
Nhưng ông Cương sớm nhận ra vùng đất đó có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển kinh tế, nhất là không bị ngập lụt nên sẽ thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi và ít thiệt hại bởi thiên tai. Trước khi thực hiện đầu tư xây dựng mô hình kinh tế, ông đã đi tham quan, học tập nhiều mô hình có hiệu quả ở trong, ngoài tỉnh.
Từ đó, ông mạnh dạn đầu tư vốn và công sức để lên khai hoang đất trồng rừng, cây ăn quả; xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt; tiến hành đào ao thả cá…
Với quyết tâm bám trụ vùng đất cát, ông Cương đã biến một vùng hoang vu thành miền đất đầy hy vọng từ màu xanh của rừng tràm, cây ăn quả và chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều người trước đây từng khuyên ông từ bỏ giấc mơ chinh phục vùng cát trở về đồng ruộng, nay đã nhìn ông bằng ánh mắt khâm phục và học hỏi làm theo.
Giai đoạn từ năm 2010-2018, mô hình kinh tế của CCB Lương Cương mang lại hiệu quả cao, với thu nhập bình quân hằng năm khoảng 4-5 tỉ đồng, trong đó, thế mạnh chủ lực là trồng rừng và chăn nuôi lợn với quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, có sự liên kết đầu ra ổn định.
Sau một hồi nói chuyện hào hứng, giọng người thương binh 4/4 Trần Lương Cương chùng xuống khi kể tiếp giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2019. Đó là một năm gặp nhiều biến cố đối với ngành chăn nuôi trên cả nước, đặc biệt là chăn nuôi lợn do chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn Châu Phi.
Cũng chung tình cảnh đó, ông Cương bị thiệt hại khoảng 1.200 con lợn do dịch bệnh. Ông trăn trở rất nhiều về việc có nên khôi phục trở lại mô hình nuôi lợn quy mô lớn hay không. Đây dường như là một thử thách rất lớn đối với ông. Không bó tay trước khó khăn, ông lại tính toán thêm một nước đi mới cho mô hình kinh tế gia đình phát triển hiệu quả và tính bền vững cao hơn, từ đó, quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc có nguồn gốc từ Pháp.
Ông Cương cho biết, để bắt tay vào thực hiện phải đầu tư vốn khá lớn, ước trên 3 tỉ đồng vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi hiện đại, vịt giống, đường giao thông và xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; liên kết đầu ra ổn định…
Đến nay, mô hình nuôi vịt siêu nạc đã mang lại hiệu quả lớn, với bình quân 1 năm xuất chuồng khoảng 10-12 lứa (khoảng 4.000 con/1 lứa), đưa đi tiêu thụ ổn định ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Ở xã Hải Thượng và một số địa phương lân cận khác, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện đẹp về ông Cương giúp đỡ người dân nghèo khó, tặng quà cho người dân bị thiệt hại do thiên tai… Trải qua bao nhiêu thăng trầm, đến nay, ông Cương đã có thể nở nụ cười rạng rỡ khi chinh phục thành công vùng đất cát.
Người CCB nắm trong tay mô hình kinh tế trang trại đem lại hiệu quả cao, gồm: 8 ha rừng trồng; nuôi hàng ngàn con vịt siêu nạc/lứa; hơn 200 con lợn; 300 con gà đá; diện tích nuôi cá các loại trên 1,5 ha; trồng cây ăn quả…; với thu nhập bình quân hằng năm trên 6 tỉ đồng; sau khi trừ mọi chi phí, lãi ròng khoảng 300-400 triệu đồng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Tôi vui khi mình đã khai thác tốt tiềm năng lợi thế của vùng cát để làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương. Từ đây, tôi đã chăm lo cho cuộc sống gia đình no ấm, hạnh phúc; nâng bước các con học hành để trở thành những công dân tốt, có nhiều đóng góp cho quê hương.
Đặc biệt, từ mô hình kinh tế có hiệu quả, tôi đã có thể giúp đỡ đồng chí, đồng đội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giúp người dân địa phương lúc khó khăn, hoạn nạn về vốn, con giống, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình…
Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các phong trào, hoạt động ở địa phương. Tôi không nhớ rõ mình giúp bao nhiêu người, đóng góp bao công sức nhỏ bé vào xây dựng quê hương, nhưng điều tôi nhớ nhất đó là mỗi lần làm được thì đều rất hạnh phúc vì còn được sống và cống hiến”, ông Cương cho biết.