Cựu chiến binh Đình Lập: 'Tiếp sức' xây dựng nông thôn mới
Với tinh thần gương mẫu, phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cựu chiến binh (CCB) huyện Đình Lập đã tích cực tham gia thực hiện phong trào 'CCB chung sức xây dựng nông thôn mới' (NTM). Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền huyện phấn đấu đưa huyện Đình Lập trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2025.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng CCB Mã Xuân Việt, thôn Tà Hón, xã Đình Lập vẫn không tiếc “tấc vàng”, hiến đất để góp sức xây dựng NTM. Từ năm 2018 đến nay, ông Việt đã hiến gần 2.000m2 đất để xây dựng đình Tà Hón, nhà văn hóa thôn… Ông Việt cho biết: Sau khi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động hiến đất, tôi đã bàn bạc với gia đình hiến phần đất ở, đất rừng để xây dựng các công trình công cộng với mong muốn xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đồng thời, tôi cũng tích cực vận động các CCB và người dân hiến đất để xây các công trình phúc lợi.
Không chỉ ông Việt, trong nhiều năm qua, CCB trên địa bàn huyện Đình Lập đã tích cực thực hiện các phần việc nhằm góp sức xây dựng NTM. Theo đó, các cơ sở hội đã tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò gương mẫu, hiến đất để xây dựng các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cán bộ, hội viên CCB đã hiến trên 10.000m2 đất, đóng góp gần 6.000 ngày công, ủng hộ trên 200 triệu đồng để xây dựng các công trình dân sinh; trong năm 2022 và 2023, huyện hội đã kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên đóng góp xây dựng 3 công trình “Thắp sáng đường thôn” để tặng cho các xã: Bắc Lãng, Lâm Ca và Châu Sơn. Tổng trị giá các công trình gần 60 triệu đồng.
Ông Lý Văn Đâu, Chủ tịch Hội CCB xã Châu Sơn cho biết: Hội CCB xã hiện có 90 hội viên, sinh hoạt tại 7 chi hội. Trong năm 2022, CCB trên địa bàn xã đã gương mẫu hiến trên 350m2 đất để xây trường học, trạm y tế xã… Tiêu biểu như hội viên Ôn Thị Pháp đã hiến 54m2 đất ở để giúp hộ nghèo làm nhà, hiến trên 100m2 để xây trường học. Từ sự tích cực của CCB đã nêu gương cho bà con Nhân dân toàn xã tích cực đóng góp tiền, công sức tham gia xây dựng NTM, góp phần đưa xã Châu Sơn đạt chuẩn NTM vào năm 2022.
“Mặc dù số lượng hội viên ít so với các huyện khác, song CCB huyện Đình Lập đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt các phong trào thi đua. Hiện CCB Đình Lập là một trong những CCB cấp huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất và tỷ lệ hộ CCB khá, giàu cao nhất toàn tỉnh”.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh
Gương mẫu hiến đất là một trong những phần việc mà CCB trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả trong xây dựng NTM. Ông Lê Minh Thuân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Toàn hội hiện có 13 hội cơ sở với trên 1.500 hội viên, sinh hoạt tại 96 chi hội. Thời gian qua, huyện hội đã hướng dẫn các cơ sở hội gắn các tiêu chí xây dựng NTM với các phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, vận động hội viên hiến đất, góp công; tăng gia sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tiêu chí số 10, số 11 về thu nhập và hộ nghèo; tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường… Qua đó, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ, hội viên.
Cụ thể, các cấp hội trong huyện đã triển khai các công trình, phần việc cụ thể, phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương và khả năng của hội. Trong thực hiện tiêu chí số 10, số 11 về thu nhập và hộ nghèo, các cấp hội đã tìm nguồn đầu tư, vay vốn để hỗ trợ hội viên sản xuất, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm qua, hội CCB các xã, thị trấn đã đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên vay vốn làm kinh tế với tổng dự nợ hiện nay trên 62 tỷ đồng cho gần 680 gia đình hội viên vay. Ngoài ra, các cấp hội đã vận động hội viên đóng quỹ hội và trích một phần quỹ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Hiện quỹ hội đạt 400.000 đồng/hội viên. Từ năm 2022 đến nay, nguồn quỹ hội đã cho gần 40 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ gần 500 triệu đồng.
Qua các nguồn vốn vay, CCB trên địa bàn đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, phục vụ sản xuất. Hiện, toàn hội có gần 120 mô hình kinh tế lớn, nhỏ như: trồng rừng (keo, bạch đàn, thông); chăn nuôi (trâu, bò, lợn…); trồng chè, sa nhân, măng tây…; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ… Bình quân mỗi năm, các mô hình mang lại thu nhập từ 150 đến 600 triệu đồng/năm/mô hình. Tiêu biểu như: mô hình chế biến chè của CCB Đỗ Văn Đồng (thị trấn Nông Trường Thái Bình) thu nhập gần 800 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ong lấy mật kết hợp với xưởng đóng đồ gỗ của CCB Lê Văn Huy, xã Bắc Lãng với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm…
Nhờ tích cực phát triển kinh tế, đời sống của hội viên CCB ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, tỷ lệ hộ khá và giàu tăng dần. Hiện, toàn hội chỉ còn 36 hộ nghèo, chiếm 2,48% (bình quân của CCB toàn tỉnh là 5,44%); trên 1.100 hộ CCB khá và giàu, chiếm trên 73% (bình quân của CCB toàn tỉnh là 33,51%). Số dư tiền gửi tiết kiệm của CCB qua tổ tiết kiệm và vay vốn là trên 1,7 tỷ đồng, bình quân đạt 2,4 triệu đồng/hộ hội viên.
Bằng những việc làm thiết thực, những năm qua, cán bộ, hội viên CCB các cấp hội trong huyện đã góp phần đưa 8 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao.