Cựu chiến binh giữa đời thường
Cựu chiến binh hăng say sản xuất
Đến thôn Nậm Giàng, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), ai cũng biết danh tiếng cựu chiến binh Bùi Văn Kiên là người làm kinh tế giỏi và nhiệt tình trong công tác xã hội.
Thăm gia đình ông, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà 2 tầng khang trang đầy đủ tiện nghi. Hằng năm, ông xuất bán hơn 3.000 tấn nông sản và 2.000 tấn vỏ quế đã chế biến ra thị trường, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng. Ông Kiên có 3 xe vận tải và 1 xưởng chế biến nông sản, tạo việc làm cho khoảng 40 - 60 lao động thời vụ và 20 lao động thường xuyên.
Để có được như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực của ông từ hai bàn tay trắng. Ông Kiên sinh năm 1962, nhập ngũ năm 1985 thuộc Trung đoàn 537, Sư đoàn 326 (Quân khu 2). Đến năm 1987, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Trở về quê hương với nỗi lo đau đáu, nhà ông thuộc diện nghèo nhất xã Bảo Nhai. Vốn liếng ban đầu của ông chỉ là 2 con dao phát, 2 chiếc cuốc và mảnh đất nhỏ toàn lau, sậy. Bước ra từ môi trường quân đội, bài học lớn nhất mà ông đã nhận được là ý thức tự lực, tự cường với tinh thần “khó khăn nào cũng sẽ vượt qua”. Ông cùng gia đình từng bước khai hoang đất, biến vùng lau sậy thành khu sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1990, khi được chính quyền địa phương đồng ý cho sử dụng 15 ha đồi để phát triển sản xuất, ông đã dồn mọi vốn liếng, tâm trí, quyết tâm xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng. Bản lĩnh của người lính đã giúp ông vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn để thành công.
Với nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn của những cựu chiến binh, ông Kiên đã bàn với gia đình thành lập Công ty TNHH Anh Kiên vào năm 2001. Công ty chuyên thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Ông đã dành khoảng 2 năm đi khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc để tìm hiểu thị trường và dần thành công trong việc tìm đối tác. Vốn bản tính thật thà, hiền lành cùng với sự thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân để có được những hạt ngô, củ sắn nên ông nhận bao tiêu sản phẩm và không để người dân phải chịu thiệt thòi, cố gắng thu mua với giá cao nhất có thể. Vì vậy, ông luôn là địa chỉ tin cậy bao tiêu sản phẩm và là điểm cung ứng dịch vụ nông nghiệp cho người dân các xã trong vùng như Bảo Nhai, Nậm Đét, Cốc Ly, Bản Cái...
Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông còn nhiệt tình trong công tác xã hội, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, gia đình ông đã hiến hơn 2.500 m2 đất, đóng góp 500 m3 vật liệu xây dựng và hơn 100 triệu đồng, nhiều ngày công, máy móc phục vụ làm đường giao thông nông thôn ở xã Bảo Nhai. Ông còn giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, hỗ trợ mua phân bón trả chậm hoặc tặng gạo các hộ nghèo. Hằng năm, ông đều được các cấp khen thưởng, nhiều lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
“Nghệ nhân” của thành phố biên cương
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyến sinh ra và lớn lên tại làng Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội), nơi nổi tiếng với đồ gỗ thủ công truyền thống của đất Kinh Bắc thời xa xưa. Năm 2002, cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Lào Cai kêu gọi, thu hút nhân tài, các nhà đầu tư từ các vùng, miền trong cả nước đến với thị xã biên cương góp phần xây dựng thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Không mảy may đắn đo, ông Quyến đã đưa ra quyết định táo bạo: Rời đất Hà thành sầm uất, chuyển giao toàn bộ công ty do mình gây dựng cho con để lên thị xã Lào Cai sinh sống, lập nghiệp. Tài sản ông mang đi để “chinh phục” vùng đất mới khi đó chính là “bí kíp” truyền thống của làng nghề gỗ Vân Hà. Ông Quyến khi ấy đã 53 tuổi.
Năm 2003, cựu chiến binh Nguyễn Văn Quyến thành lập Hợp tác xã mỹ nghệ Hoa Mai, chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ thủ công. Ban đầu, hợp tác xã chỉ có 22 xã viên, lao động, vốn hoạt động là 500 triệu đồng. Bằng sự nỗ lực, tâm huyết và phẩm chất kiên trì, quyết tâm của một người lính Trường Sơn, ông đã đưa Hợp tác xã mỹ nghệ Hoa Mai trở thành địa chỉ sản xuất đồ gỗ có thương hiệu nổi tiếng của thành phố Lào Cai. Hợp tác xã đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động, trong đó có nhiều con em hội viên cựu chiến binh, với mức lương ổn định khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong 16 năm qua, hợp tác xã đã truyền dạy, đào tạo cho hơn 800 lượt người ở thành phố Lào Cai và các huyện trong tỉnh. Bên cạnh việc lưu giữ những tinh hoa của làng nghề truyền thống Vân Hà, ông Quyến còn sáng tạo ra những sản phẩm đồ gỗ phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Thể hiện trách nhiệm của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, mỗi năm ông Quyến dành 200 triệu đồng để tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng đô thị văn minh. Bản thân ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ. Trở về đời thường với những đóng góp cho cộng đồng, ông đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân truyền thống Việt Nam” và ghi danh trong “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.