Cựu chiến binh làm giàu từ nghề mộc truyền thống

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cùng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Nghĩa Lộc ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất, chế biến sản phẩm lâm sản mỗi năm đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công ty của cựu chiến binh Nguyễn Nghĩa Lộc (bên trái) tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với mức thu nhập bình quân 8,5-10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Trà Hương

Công ty của cựu chiến binh Nguyễn Nghĩa Lộc (bên trái) tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với mức thu nhập bình quân 8,5-10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Trà Hương

Năm 1977, chàng trai trẻ Nguyễn Nghĩa Lộc nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tham gia nhập ngũ tại đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không không quân. Sau nhiều năm tham gia quân đội, năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương và công tác tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Lãng. Tuy nhiên, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên đến năm 1993 ông xin nghỉ việc.

Với suy nghĩ muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính nghề mộc truyền thống của địa phương, năm 1995, ông Lộc cùng mấy người bạn mở xưởng sửa chữa đồ gỗ, nhận đóng thủ công đồ dân dụng theo yêu cầu của khách hàng. Sau một thời gian, ông nhận thấy nhu cầu sử dụng các mặt hàng nội thất bằng gỗ của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ.

Năm 2003, ông Lộc quyết định thay đổi mô hình sản xuất từ xưởng sản xuất đồ gỗ nhỏ lẻ sang thành lập Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hải Lộc chuyên chế biến lâm sản, bán buôn bán lẻ các loại gỗ, sản xuất đồ gỗ dân dụng và đồ gỗ mỹ nghệ chất lượng cao với tổng diện tích xưởng sản xuất hơn 3.000 m2, vốn điều lệ hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Nghĩa Lộc chia sẻ: "Để sản xuất được những mặt hàng chất lượng thì điều đầu tiên cần phải có nguyên liệu tốt, sau đó là tay nghề cao để tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp. Trong gian mới thành lập công ty, tôi cùng những người bạn đi đến các tỉnh Tây Nguyên tìm kiếm nguồn gỗ tốt; tham khảo mẫu mã, kiểu dáng mới nhất để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ chính là vốn đầu tư".

Để có vốn sản xuất, ông Lộc phải thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng và liên kết huy động thêm nguồn vốn, chủ động nguyên liệu, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng. Việc liên kết với các đơn vị khác cũng giúp mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm để đông đảo người dân biết đến sản phẩm của công ty.

Nhờ chăm chỉ học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tiếp thu những xu hướng hiện đại kết hợp với kỹ thuật truyền thống, ông Lộc liên tục cải tiến kỹ thuật và đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất giúp giảm thời gian lao động, tăng độ chính xác của từng sản phẩm.

Nhờ vậy, việc kinh doanh của công ty ngày càng phát triển, chiếm lĩnh thị trường. Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng với số lượng lớn. Mỗi năm, doanh thu của công ty đạt 30-35 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động với thu nhập bình quân 8,5-10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông Lộc còn nhận đào tạo nghề mộc truyền thống cho 15 người, đa số là con em CCB, hộ chính sách, hộ nghèo giúp các em có tay nghề, việc làm ổn định.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, ông Nguyễn Nghĩa Lộc còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi thuộc Hội CCB thị trấn Thanh Lãng. Những năm qua, ông luôn là người tiên phong phát động phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế; hằng năm vận động xây dựng quỹ, tổ chức nhiều đợt tham quan, học tập mô hình kinh doanh, sản xuất giỏi để hội viên có cơ hội học tập, rút kinh nghiệm.

Qua đó, nhiều hội viên được các cấp chính quyền, Hội CCB khen thưởng, công nhận đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Ghi nhận những thành tích trong sản xuất, kinh doanh và tích cực đóng góp trong phong trào hoạt động của Hội CCB, các đoàn thể, tổ chức tại địa phương, ông Nguyễn Nghĩa Lộc nhiều lần được Trung ương Hội CCB Việt Nam công nhận đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi và được nhận Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện Bình Xuyên.

Hương Giang

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76889/cuu-chien-binh-lam-giau-tu-nghe-moc-truyen-thong.html