Cựu chiến binh Ngô Thanh Nhàn - Nhớ mãi quãng đời binh nghiệp
Sinh ra và lớn lên trên 'quê hương 5 tấn', ông Ngô Thanh Nhàn tòng quân năm 1970 tại đơn vị Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 95, Sư đoàn 25 khi vừa tròn 18 tuổi. Lúc rời thao trường tân binh, ông được đào tạo bài bản tại Trung tâm Huấn luyện Trung đoàn 95 đóng ở Hà Bắc.
Ông từng là Trung đội trưởng Pháo binh của Tiểu đoàn Bộ binh 1 ở Long An. Tôi gặp ông vào những ngày tiết trời se lạnh. Người ông thấp nhỏ, làn da sạm nắng và chai sần với những vết sẹo thời gian mà trong đó, chắc hẳn có những vết sẹo chiến tranh để lại sau quãng đời binh nghiệp. Đội pháo binh chỉ có vài cây súng cối 82 làm hỏa lực cho đơn vị. Ấy thế mà trung đội của ông đánh nhiều trận cũng “tưng bừng hoa lá”, nhất là trận chống càn Thố Mố, xã Hòa Khánh, huyện Đức Hòa và trận An Thạnh, huyện Bến Lức.
Ở trận Thố Mố, vừa ăn cơm sáng xong, ra ngồi hướng về đồn giặc thì thấy lính Tiểu đoàn 303 của Chi khu Hậu Nghĩa càn vào cách vài trăm mét, ông vội ra lệnh toàn trung đội pháo sẵn sàng chiến đấu. Khi địch tràn vào còn chưa đến 100m, hai cây “Đại pháo 82” của trung đội chĩa nòng gần như thẳng đứng, bắt đầu khò lửa vào đội hình địch. Bắn gần một nửa cơ số đạn thì ông ra lệnh ngưng, bọn địch tháo chạy tán loạn về hướng Hậu Nghĩa, ông tiếp lệnh cố thủ trận địa để đón pháo bầy của địch.
Thật vậy, không lâu sau thì pháo từ Hậu Nghĩa, Đức Hòa bắn xối xả, suýt soát cơ số đạn mà trung đội của ông bắn, nhưng không có ai thương vong. Về phía địch, ông và đồng đội đánh giá là mất sức chiến đấu vì không thấy chúng quay lại. Đây là trận đánh độc lập mang tầm cỡ quy mô lớn, đối đầu trực diện quân địch của trung đội pháo từ khi ông về Tiểu đoàn Bộ binh 1.
Trận thứ hai mà ông tiếp tục đối đầu quân địch là trận tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức - trận đánh ngay trên mảnh đất quê hương thứ hai thân thương mà ông đang sinh sống. Trong trận này, ông cùng đồng đội đánh chúng chạy tan tác ngoài ruộng, riêng ông cầm cây AK duy nhất của trung đội xông vào trận địa vừa đánh. Một tên lính truyền tin giơ mũi súng AR-15 lên, nhắm thẳng vào ông bóp cò, nhưng không nổ. Thế là ông bắt sống và không quên tịch thu 1 súng côn của tên chỉ huy đã phơi xác, 1 la bàn, 1 máy truyền tin PRC-25, đem về đội hình chiến đấu.
Sau ngày giải phóng, đồng đội của ông giải ngũ đi khắp nơi, riêng ông tiếp tục ở lại do tổ chức yêu cầu huấn luyện tân binh. Ngày tháng qua nhanh, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại tiếp tục lên đường ra tiền tuyến. Thật khốc liệt, thật cam go, ông chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh. Ông cũng bị thương khi chỉ huy Đại đội 2 của Tiểu đoàn Bộ binh 1 chiến đấu. Ông về Quân y viện của Quân khu 9 tại Tiền Giang để điều trị, vết thương không nguy hiểm lắm.
Đó cũng là dấu ấn kết thúc cuộc đời binh nghiệp của ông, chuyển sang hệ dân chính năm 1982 đến lúc về hưu. Ông lập gia đình và hiện vui thú điền viên trong căn nhà tình nghĩa trên chính mảnh đất đã cùng đồng đội từng làm nên trận chiến thắng vẻ vang mang tên Gò Dung - ấp 6, xã An Thạnh, huyện Bến Lức./.
Nguyễn Hữu Lý (Dựa theo lời kể của cựu chiến binh Ngô Thanh Nhàn)