Cựu chiến binh Quản Bạ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nhà tạm
Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027
BHG - Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quản Bạ đã giúp đỡ, động viên nhau vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước khắc phục khó khăn về nhà ở, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
CCB Vàng Tờ Dìn ở thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân, trở về với đời thường sau khi tham gia cách mạng, cũng như bao người dân trong xã, ông Dìn bắt tay vào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Truyền thống canh tác của người Mông vẫn là làm nương rẫy, trồng ngô trên hốc đá nên dù lao động chăm chỉ, cuộc sống của gia đình ông vẫn rất khó khăn. Với sự mạnh dạn học hỏi cách làm kinh tế của nhiều CCB trên địa bàn, ông Dìn đã chuyển đổi một phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ và chăn nuôi bò, ngựa sinh sản và hàng hóa. Hiện nay, nhà ông đã thực hiện cải tạo vườn tạp, duy trì chăn nuôi đàn bò, ngựa quy mô từ 6 – 8 con, hàng năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông Dìn đã thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế, ông cũng thường xuyên hướng dẫn cho người dân xung quanh về cách phát triển chăn nuôi bò, ngựa.
Mô hình phát triển kinh tế của ông Dìn chỉ là một trong số nhiều hội viên làm kinh tế giỏi trên địa bàn. Từ nhận thức về ý nghĩa thiết thực của phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB trên địa bàn huyện đã thường xuyên phổ biến, quán triệt cho hội viên thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình phát triển KT-XH của địa phương. Hội CCB huyện Quản Bạ đã thực hiện tốt việc cho vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay tổng nguồn vốn do Hội quản lý trên 55,5 tỷ đồng với 34 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho trên 1.400 hộ vay vốn.
Phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế phát triển cả về số lượng, quy mô. Hội CCB huyện Quản Bạ đã thành lập câu lạc bộ làm kinh tế hiệu quả với 55 thành viên. Đến nay toàn huyện có 2 hợp tác xã, 18 gia trại, 26 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ; hội viên tham gia tích cực trong thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển mô hình kinh tế gia đình nhằm nâng cao thu nhập, đời sống hội viên. Hiện nay tổng đàn gia súc của hội viên là 1.831 con trâu, bò; đàn lợn là 3.466 con, đàn dê 196 con; đàn gia cầm trên 14.000 con; diện tích ao nuôi cá 2,62 ha... Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Hội CCB tham gia giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế hiệu quả” giai đoạn 2016-2021, đã có 20 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh 2 cá nhân, cấp huyện 18 cá nhân.
Cùng với sự giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội CCB huyện cũng quan tâm thực hiện hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Các cấp Hội thường xuyên rà soát và lựa chọn những hội viên có khó khăn về nhà ở đề nghị Ban Chỉ đạo huyện và Hội CCB tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ cho hội viên làm nhà kiên cố theo Quyết định 1953 của tỉnh và chương trình xã hội hóa. Đồng thời kết hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ làm nhà cho các hội viên CCB bị nhiễm chất độc Dacam/đioxin. Đến nay, đã xóa được 54 nhà tạm, trong đó Hội CCB hỗ trợ làm 49 nhà; Hội Nạn nhân chất độc Da cam/điôxin và Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ CCB làm được 5 nhà.
Trong cuộc sống đời thường cũng như trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội, các hội viên CCB đã nêu gương, phát huy nội lực, truyền thống bộ đội Cụ Hồ vượt qua khó khăn, thách thức trên nhiều lĩnh vực, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do địa phương phát động, chung sức xây dựng Nông thôn mới, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.