Cựu chiến binh Quảng Bình noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, không những tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà còn tự hào với nhiều vị tướng tài danh khác, tiêu biểu là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ông là vị tướng tài ba, đức độ; tên tuổi gắn với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Các thế hệ cựu chiến binh (CCB) Quảng Bình luôn mãi tự hào và học tập, noi gương ông.
Nói đến Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là nói đến vị tướng có tài thao lược về giao thông vận tải quân sự, trong đó hệ thống đường Trường Sơn là dấu ấn sâu sắc nhất trong sự nghiệp cách mạng của ông. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ông đã cùng các cán bộ cao cấp khác của Quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại của cuộc chiến tranh.
Năm 1967-1972 là giai đoạn giặc Mỹ đánh phá rất ác liệt. Đường Trường Sơn bị oanh tạc nhiều tuyến, có đoạn bị tắc nhiều ngày, đôi khi cả tháng. Sự chi viện cho chiến trường có những thời điểm gặp nhiều khó khăn. Mặt trận thiếu vũ khí đạn dược, bộ đội thiếu lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Trước tình hình ấy, đòi hỏi phải có một phương thức vận tải mới và táo bạo, hiệu quả và hệ số an toàn cao.
Hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP) đã xây dựng hệ thống đường “chọc thủng Trường Sơn” với 5 trục dọc và 21 trục ngang, tổng cộng dài trên 2 vạn km, tạo nên mạch máu giao thông dọc ngang từ phía Nam Khu 4 vươn qua đất bạn Lào, Campuchia, vào tận các chiến trường miền Đông Nam bộ. Đó là con đường của ý chí quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Cùng với hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến trên các cung đường ác liệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là biểu tượng của ý chí quyết thắng Mỹ. Với tác phong sâu sát thực tế và gần gũi với chiến sĩ, ông chủ trương đặt sở chỉ huy gần ngay các tuyến đường huyết mạch, các trọng điểm ác liệt nhất để quan sát và chỉ đạo vận tải. Những di tích lịch sử hiện nay, như: Hang Hóa Tiến, hang Hóa Thanh (Minh Hóa), phà Long Đại, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh), đèo Đá Đẽo (Bố Trạch)… đã ghi dấu tích một thời oanh liệt của Đoàn 559 và hình ảnh của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ngay trên chính quê hương Quảng Bình.
Dấu ấn Đồng Sỹ Nguyên còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược và phương pháp tổ chức hoạt động vận tải trên đường Trường Sơn. Để kịp thời chi viện cho chiến trường, phương châm “địch đánh, ta sửa ta đi” không còn phù hợp, ông chủ trương tổ chức “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, biến Trường Sơn thành chiến trường đánh Mỹ với nhiều binh chủng hợp thành, như: Bộ đội công binh, phòng không... Ông đã góp phần xây dựng bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, đủ sức phục vụ các chiến dịch lớn của quân đội, làm cho sức sống con đường ngày càng mãnh liệt.
Đối với quê hương Quảng Bình, ông là người luôn nặng tình nặng nghĩa, khi đang công tác hay đã nghỉ hưu, ông luôn nghĩ đến đời sống của nhân dân, đến sự phát triển của tỉnh nhà. Cán bộ, hội viên CCB Quảng Bình luôn tự hào về sự cống hiến lớn lao cho cách mạng, ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn gian khổ và tinh thần đồng đội son sắt, thủy chung của ông. Lúc sinh thời, Trung tướng rất quan tâm đến sự trưởng thành của Hội CCB tỉnh nhà. Năm 2017, Hội CCB tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, có mời Trung tướng dự. Lúc bấy giờ Trung tướng tuổi đã 95, sức khỏe yếu nên không thể về dự được, song ông vẫn cố gắng viết thư chúc mừng, động viên và căn dặn cán bộ, hội viên CCB tỉnh nhà những điều rất tâm huyết.
Những năm qua, thực hiện lời căn dặn ân cần và noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cán bộ, hội viên CCB toàn tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua thử thách, khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong đó, hội tập trung tuyên truyền, vận động CCB phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân; tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường công tác vận động quần chúng tạo sự đồng thuận để triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở địa phương; vận động CCB tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Noi gương Trung tướng về ý chí vượt qua mọi khó khăn và nghĩa tình đồng đội son sắt, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Đến nay, tỷ lệ hộ CCB nghèo chỉ còn 1,65%; có 61% hộ CCB khá, giàu; 33/151 xã, phường không còn hộ gia đình CCB nghèo. Từ năm 2017 đến nay, đã hỗ trợ gần 6 tỷ đồng để xây dựng 154 nhà “Nghĩa tình đồng đội”, trong đó có những chiến sĩ Trường Sơn là hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, hội đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân, vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào nói chung và CCB hai tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn nói riêng.Tự hào với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, thời gian tới, cán bộ, hội viên CCB tỉnh nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống “Trung thành-đoàn kết-gương mẫu-đổi mới”, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, xây dựng hội vững mạnh, toàn diện, xứng đáng với kỳ vọng của Trung tướng, với niềm tin của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng quê hương Quảng Bình giàu đẹp, văn minh.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh