Cựu chiến binh Thái Nguyên nêu gương sáng

Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội, sau khi hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ cao cả, trở về cuộc sống đời thường, hầu hết cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều phát huy truyền thống, bản chất 'Bộ đội Cụ Hồ', là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương.

Cơ sở sản xuất đồ mộc của cựu chiến binh Khúc Văn Xuân ở phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất đồ mộc của cựu chiến binh Khúc Văn Xuân ở phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.

Đại tá Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, tự hào cho biết: “Từ môi trường quân đội trở về địa phương, hơn 75 nghìn cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hòa nhập với làng xã, khu dân cư, gương mẫu đi đầu trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó hàng nghìn cựu chiến binh lại tiếp tục gánh vác công việc chung trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể. Những đóng góp đó được cấp ủy, người dân ghi nhận”.

Phát huy truyền thống, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” và với vai trò của người đảng viên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có gần 3.600 cựu chiến binh tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có 1.756 đồng chí là bí thư, phó bí thư chi bộ; 161 đồng chí là bí thư, phó bí thư Đảng ủy cấp cơ sở và hơn 1.200 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Điều này thể hiện trách nhiệm, nhiệt huyết của cựu chiến binh; sự tin tưởng của cấp ủy, tín nhiệm của nhân dân.

Cùng chung nhận thức, ý chí của cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh, cựu chiến binh Khúc Văn Xuân, ở xóm Thanh Xuyên 4, phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, chia sẻ: “Được tôi luyện trong môi trường quân đội, cựu chiến binh chúng tôi là người hiểu rõ giá trị của hòa bình, độc lập, chủ quyền quốc gia, âm mưu của các thế lực phản động nên khi trở về với cuộc sống đời thường anh em cựu chiến binh luôn cảnh giác với các luận điệu “diễn biến hòa bình”; tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc để định hướng cho bà con, con cháu có nhận thức đúng, giữ vững niềm tin đối với Đảng, Nhà nước”.

Ông Khúc Văn Xuân đi đầu trong các phong trào ở địa phương, bản thân còn tổ chức sản xuất đồ mộc, mỗi năm có doanh thu hơn 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều con em.

Trở về từ quân đội, đi học đại học, tham gia công tác, về hưu là doanh nhân, ông Nguyễn Văn Thắng trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn An Khánh đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Noi gương ông Xuân, ông Thắng trên “mặt trận” phát triển kinh tế, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2,9% gia đình cựu chiến binh thoát nghèo. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là phát triển kinh tế, không cam chịu đói nghèo, đến năm 2025 Hội Cựu chiến binh tỉnh phấn đấu có 95% số xã, phường, thị trấn không có gia đình cựu chiến binh nghèo. Tiền đề cho mục tiêu này, hiện nay cựu chiến binh trên địa bàn đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay gần 900 tỷ đồng; đồng thời phát huy tinh thần tương thân, cựu chiến binh hỗ trợ nhau thoát nghèo, làm giàu.

Trở về đời thường, tự hào là “chiến khu xưa”, đất thép Thái Nguyên, cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh là những người đi đầu bảo vệ trị an, môi trường khi đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 450 tổ tự quản với hàng chục nghìn thành viên ở xóm, thôn, tổ dân phố nơi cư trú. Đồng thời, cựu chiến binh góp gần 150 nghìn ngày công lao động, hiến gần 200 nghìn m2 đất góp phần đưa Thái Nguyên trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong khu vực.

Đại tá Hoàng Văn Trình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Tới đây, Hội Cựu chiến binh tỉnh sẽ tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027 để nghiêm túc đánh giá, ghi nhận, rút ra bài học kinh nghiệm đã làm được để tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới, đó là “Trung thành - đoàn kết - gương mẫu - đổi mới”.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuu-chien-binh-thai-nguyen-neu-guong-sang-post718970.html