Cựu chiến binh thị trấn Cửa Việt chú trọng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) xác định phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Từ đó, hội đề ra nhiều giải pháp để tập trung chỉ đạo, động viên hội viên phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung khai thác mọi nguồn lực sẵn có, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế; đẩy mạnh thực hiện phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.

 Cựu chiến binh thị trấn Cửa Việt tiên phong phát triển kinh tế, tham gia cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc - Ảnh: M.Đ

Cựu chiến binh thị trấn Cửa Việt tiên phong phát triển kinh tế, tham gia cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc - Ảnh: M.Đ

Hội Cựu chiến binh (CCB) thị trấn Cửa Việt đã động viên, khuyến khích hội viên chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền, ngư lới cụ hiện đại… để thực hiện những chuyến đánh bắt xa bờ ở nhiều ngư trường lớn; đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn, kinh nghiệm và ngư trường đánh bắt cũng như công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được cán bộ, hội viên CCB trong toàn thị trấn đồng tình và hưởng ứng cao.

Hiện nay, hội viên CCB, cựu quân nhân ở thị trấn có đội tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ 28 chiếc, công suất 600CV - 800CV, trị giá tài sản mỗi tàu ước khoảng 8 - 10 tỉ đồng; có 2 tàu vỏ thép trị giá 20 tỉ đồng/chiếc; tạo việc làm cho 250 lao động, với thu nhập bình quân từ 60-70 triệu đồng/người/năm. Từ phong trào đánh bắt hải sản đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như các CCB Lê Quý, Võ Lới, Bùi Xuân Tấn…, với thu nhập bình quân hằng năm từ 800 triệu đồng - 1 tỉ đồng/hộ.

CCB Bùi Xuân Tấn (sinh năm 1964), ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt cho biết: “Bản thân tôi luôn suy nghĩ cần phát huy truyền thống gia đình về nghề biển bằng cách đầu tư tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Vào đầu năm 2010, tôi mua 1 con tàu đánh bắt xa bờ, có công suất 600CV. Đến năm 2018, tôi đóng mới thêm 1 tàu, có công suất 800CV và đầu tư ngư lưới cụ, trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, trị giá trên 8 tỉ đồng; hằng năm thu nhập từ 3-5 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 80 - 100 triệu đồng/người/năm”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tấn còn giúp đỡ nhiều CCB, ngư dân vùng biển Gio Linh về nguồn vốn, kinh nghiệm, ngư trường để phát triển kinh tế hiệu quả. Ông còn rất nhiệt tình tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đối với các tàu thuyền gặp nạn, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân.

Bên cạnh việc khai thác, đánh bắt hải sản hiệu quả, hội viên CCB thị trấn Cửa Việt còn tích cực hỗ trợ nhau trên biển. Phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương thành lập 2 Tổ tự quản tàu thuyền Khu phố 5 và Khu phố 2. 5 năm qua, các CCB đã tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên 40 trường hợp tàu đánh cá của ngư dân và hội viên CCB bị hỏng máy, chìm trên biển, đưa vào bờ an toàn. Sau khi cứu hộ, cứu nạn thành công, các CCB không đòi hỏi chi phí tiền dầu, công sức cứu hộ mà còn hỗ trợ thêm cho ngư dân gặp nạn.

Hội viên CCB thị trấn còn gương mẫu tiên phong trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; bảo vệ tàu thuyền của CCB và tàu thuyền của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam trước sự gây hấn, phá hoại của tàu thuyền nước ngoài; cung cấp nhiều thông tin có giá trị về việc tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, hoặc tổ chức đánh bắt, khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ta…

Bên cạnh đó, CCB thị trấn Cửa Việt còn năng động, sáng tạo trong phát triển kinh doanh, dịch vụ tại bãi tắm Cửa Việt; tổ chức hoạt động hiệu quả trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chế biến hải sản, cơ khí, mộc dân dụng… Tiêu biểu như các mô hình của các CCB Lê Viết Trị, Nguyễn Văn Khai, Lê Thăng, Nguyễn Thị Hồ, Nguyễn Cao Kiệm… Dịch vụ hậu cần nghề cá được CCB thị trấn chú trọng đầu tư, đạt hiệu quả cao.

Một số hội viên CCB đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy sản xuất nước đá có công suất 10 tấn đá/ngày để phục vụ các tàu cá; đầu tư 3 đại lý dầu cung cấp cho tàu thuyền trên biển... Cùng với đó, phong trào CCB hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cửa Việt Bùi Đình Chức cho biết, phong trào CCB thị trấn Cửa Việt giúp nhau giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Cán bộ, hội viên CCB luôn năng nổ, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình tàu thuyền đánh bắt xa bờ; nhiều hộ kinh doanh giỏi, chế biến hải sản có thương hiệu… mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đời sống của cán bộ, hội viên CCB ngày càng được nâng lên về nhiều mặt. Năm 2016, có 10 hội viên thuộc diện hộ nghèo, đến nay còn 3 hội viên thuộc diện hộ nghèo là CCB cao tuổi, sức khỏe yếu, không nơi nương tựa. Tỉ lệ hội viên CCB khá, giàu tăng lên, từ 52 hộ (năm 2016) đến nay có 110 hộ.

Những hoạt động của cán bộ, hội viên CCB trên các lĩnh vực với quyết tâm xây dựng Hội CCB thị trấn vững mạnh toàn diện và đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng đã được các cấp, ngành và Nhân dân thị trấn đánh giá cao. Từ những kết quả đó, cán bộ, hội viên CCB thị trấn Cửa Việt tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua trên các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển quê hương và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hoài An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159819&title=cuu-chien-binh-thi-tran-cua-viet-chu-trong-phat-trien-kinh-te-giam-ngheo-ben-vung