Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng: Người gieo mầm xanh nơi đầu sóng

Trồng mới và bảo vệ gần 265ha rừng ven biển; nhân thành công nhiều giống cây ngập mặn, trong đó có những giống cây ngoại lần đầu được đưa về Việt Nam, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng (sinh năm 1959, tại thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là tấm gương tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thương binh tàn nhưng không phế

Ngắm nhìn rừng phi lao vững chãi, rừng vẹt, rừng bần xanh mướt, vươn dài đến sát chân đê, ôm trọn 3km bờ biển của xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, có thể thấy rõ nỗ lực xây dựng thành trì chắn sóng, bảo vệ đất quê hương và khát vọng phục hồi hệ sinh thái ven biển của người cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng.

 Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng tại rừng phi lao ven biển của mình.

Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng tại rừng phi lao ven biển của mình.

Tháng 8-1978, khi vừa tròn 19 tuổi, Vũ Văn Tưởng tạm biệt gia đình, quê hương, lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới, ông được phân về Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 5, Quân khu 7 với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Tháng 12 cùng năm, trong một trận chiến ác liệt, ông bị thương nặng ở đầu và mất hẳn một bên mắt do mảnh bom mìn văng trúng.

Sau khi được sơ cứu, Vũ Văn Tưởng được chuyển về Bệnh viện Quân y 7B (Biên Hòa, Đồng Nai) điều trị. Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật 81% và chuyển ông về Đoàn An điều dưỡng 295 trực thuộc Cục Hậu cần Quân khu 3 (nay trực thuộc Cục Chính trị Quân khu 3). Tháng 2-1982, ông tiếp tục điều dưỡng tại trại thương binh xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Đến năm 1984, thực hiện chủ trương của tỉnh và theo nguyện vọng của gia đình, ông được về dưỡng thương tại nhà.

 Ký ức tuổi thơ về những tàn phá của sóng biển và mưa bão đã thôi thúc cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng ấp ủ và biến giấc mơ về một dải rừng phòng hộ chắn sóng thành hiện thực.

Ký ức tuổi thơ về những tàn phá của sóng biển và mưa bão đã thôi thúc cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng ấp ủ và biến giấc mơ về một dải rừng phòng hộ chắn sóng thành hiện thực.

Trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 81%, dù được hưởng chế độ thương binh hằng tháng, song với bản lĩnh vững vàng, quyết tâm vượt khó đã được tôi rèn trong những năm tháng tại ngũ, ông Tưởng luôn tìm cách phát triển kinh tế gia đình và tạo việc làm cho người dân tại địa phương. “Chứng kiến bãi phù sa ven biển ngày đêm bị sóng xói mòn, tôi quyết tâm biến vùng đất ấy thành rừng chắn sóng, không chỉ để bảo vệ đất đai mà còn tạo giá trị kinh tế bền vững cho quê hương mình”, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng nhớ lại.

Gần 40 năm bảo vệ “vành đai xanh” cho quê hương

Năm 1985, khi xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) triển khai chủ trương đấu thầu đất bãi trên biển, ông Tưởng nhận thấy cơ hội và quyết định đầu tư. Sau khi bàn bạc với vợ, ông vay mượn từ bạn bè và người thân để mua đất và bắt tay vào trồng mới hơn 30ha cây thông, 40ha cây bần, vẹt và phi lao.

 Vườn ươm giống cây con của cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng.

Vườn ươm giống cây con của cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng.

Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng tâm sự: “Những ngày đầu, khi sức khỏe vẫn còn yếu do vết thương chiến tranh, tôi cũng từng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và địa phương, tôi quyết tâm kiên trì, làm đến khi nào rừng được hình thành thì thôi”.

Không phụ công người trồng, rừng phi lao, thông, bần… bén rễ và phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng phủ xanh toàn bộ diện tích bãi bồi, tạo thành lớp rừng chắn sóng vững chắc cho quê hương, đồng thời trở thành nơi ươm giống, cung cấp cây con cho các dự án trong và ngoài tỉnh.

 Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng luôn tận tâm theo dõi, chăm sóc từng bầu cây giống của mình.

Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng luôn tận tâm theo dõi, chăm sóc từng bầu cây giống của mình.

Để tiết kiệm chi phí, không phải mua cây giống ở nơi khác về trồng, nhiều năm qua, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng đã tự nghiên cứu và nắm bắt đặc tính sinh học của cây ngập mặn, từ đó tìm ra phương pháp ươm cây giống với tỷ lệ sống cao. Trên kinh nghiệm đó cùng sự phối hợp của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, năm 2006, ông Tưởng đã làm chủ được quy trình kỹ thuật nhân giống bần không cánh Myanmar - giống bần nhập ngoại được đánh giá là có sức sinh trưởng rất nhanh, chịu rét tốt, không rụng lá vào mùa đông và ít sâu bệnh. Thành công này đã thúc đẩy nhiều người ở các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... tìm đến, đặt mua giống bần của ông.

Đến nay, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng đang phụ trách trông coi toàn bộ 265ha rừng ven biển của xã Đông Hoàng. Mỗi năm, gia đình ông trồng, bán khoảng 6-7 vạn cây giống, lợi nhuận thu được 500-600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6-7 lao động, với mức chi trả 200 nghìn đồng/người/ngày.

 Mô hình kinh doanh giống cây con của cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mô hình kinh doanh giống cây con của cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mặc dù là thương binh hạng 1/4 nhưng cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng luôn tích cực rèn luyện sức khỏe, lao động phát triển kinh tế, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội và nhận được sự ghi nhận từ các cấp chính quyền. Năm 2019, ông là đại biểu của tỉnh Thái Bình tham dự Hội nghị biểu dương thương binh tiêu biểu toàn quốc và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sơ kết một năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (năm 2022), ông được Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam trao Bằng khen. Năm 2024, ông tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao Bằng khen vì đóng góp vào Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh, giai đoạn 2021-2023.

Ông Vũ Đình Thường, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Hoàng, chia sẻ: “Cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng là một tấm gương sáng của hội. Mặc dù mang trong mình thương tật nặng, nhưng ông luôn năng động và sáng tạo trong phát triển kinh tế, không chỉ cho gia đình mà còn cho xã hội. Câu chuyện của ông không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người, khích lệ họ vươn lên, vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ở tuổi 65, thương binh, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng vẫn tiếp tục cần mẫn trồng, bảo vệ rừng, mang lại màu xanh và làm giàu trên mảnh đất ven biển này.

Ở tuổi 65, thương binh, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng vẫn tiếp tục cần mẫn trồng, bảo vệ rừng, mang lại màu xanh và làm giàu trên mảnh đất ven biển này.

Những năm tháng được rèn luyện trong Quân đội đã tôi luyện nên bản lĩnh vững vàng của người lính Bộ đội Cụ Hồ không sợ hy sinh, gian khổ, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Ở tuổi 65, thương binh, cựu chiến binh Vũ Văn Tưởng vẫn miệt mài trồng rừng và giáo dục cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của thiên nhiên. Sự cống hiến thầm lặng của ông hơn 4 thập kỷ qua, giờ đây, được đền đáp bằng màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng - nơi cư trú cho hàng trăm loài sinh vật biển và là nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Thành quả ấy là minh chứng rõ nét cho sự kiên trì và lòng quyết tâm không ngừng nghỉ của người thương binh tận tụy, làm giàu cho đất, cho rừng và cho xã hội.

Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-vu-van-tuong-nguoi-gieo-mam-xanh-noi-dau-song-807405