Cựu Chủ tịch AIC bị đề nghị truy tố vụ án thứ 3: Phạm nhiều tội bị phạt tù tối đa bao nhiêu năm?
Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vừa bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị truy tố ở vụ án thứ 3. Vậy, với tình trạng án chồng án, việc tổng hợp hình phạt của đối tượng này ra sao?
CQĐT đã đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng 13 bị can về các tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng với 2 bị can khác bị đề nghị truy tố tội “Đưa hối lộ”.
Trước đó, vào năm 2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và sau đó, TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm, tuyên phạt 30 năm tù về tội “Vi phạm quy định đấu thầu”, “Đưa hối lộ” liên quan Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Tháng 10-2023, Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục bị TAND TP Quảng Ninh xét xử sơ thẩm trong vụ án thông thầu Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Đầu năm 2024, TAND Cấp cao xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên phạt cựu Chủ tịch Công ty AIC 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt 2 bản án là 30 năm tù.
Vụ án tại Trung tâm CNSH TP. HCM là vụ án thứ 3 bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố.
Về Tội đưa hối lộ, dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 364 BLHS quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào được quy định tại Khoản 1 điều này…thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản…trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt từ tù 12-20 năm.
Nếu bị kết tội này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn sẽ phải chịu mức hình phạt tù không quá 20 năm. Tòa án sẽ tiếp tục tổng hợp hình phạt nhưng không quá 30 năm đối với trường hợp phạm nhiều tội - luật sư Thu nhận định.
Bởi theo Điều 55 BLHS 2015 về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, khi xét xử cùng 1 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau:
Với hình phạt chính, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.
Như vậy, nếu Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị kết tội trong vụ án mới được khởi tố, tổng hợp hình phạt các bản án không quá 30 năm tù (do tội danh theo quy định tại Điều 364 có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù).
Bên cạnh đó, Điều 56 BLHS 2015 cũng quy định, có 3 trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:
Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này thì tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử. Sau đó, tổng hợp với hình phạt của bản án trước đã có hiệu lực pháp luật. Thời gian chấp hành hình phạt của bản án trước sẽ được trừ vào hình phạt chung sau khi đã tổng hợp hình phạt.
Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà thực hiện hành vi phạm tội mới, tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước…
Trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt.