Cựu Chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương bị tuyên 6 năm tù
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị tòa tuyên án 6 năm tù về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'.
Chiều 21/1, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương án 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cùng với tội danh này, các bị cáo: Nguyễn Ngọc, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh 30 tháng tù; Nguyễn Văn Phong, cựu Giám đốc Sở Tài chính, 4 năm tù; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, lĩnh 5 năm tù; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, 4 năm tù; Nguyễn Xuân Phong, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế, 30 tháng tù; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, 30 tháng tù; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, lĩnh 24 tháng tù.
Các bị cáo còn lại, gồm: Nguyễn Thanh Cho, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai; Lê Nam Hưng, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai; Phạm Duy Cường, cựu Trưởng phòng Kinh tế đất; Lê Anh Huy, cựu chuyên viên Phòng Kinh tế đất; Lê Quang Vinh, cựu Bí thư Huyện ủy Phú Quý; Huỳnh Lương Thiện, cựu chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá Miền Nam; Trương Văn Ri, Phó tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Miền Nam; Hồ Như Hải, Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Miền Nam chi nhánh Bình Thuận, bị phạt từ 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù giam.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng nêu, đồng thời đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và bày tỏ mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
HĐXX nhận định các bị cáo là cán bộ lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Bình Thuận, được giao quản lý, thẩm định tài sản của nhà nước đã cùng các bị cáo tại công ty thẩm định giá đất, theo luật, phải đảm bảo việc sử dụng hiệu quả tài sản của Nhà nước, không để thất thoát lãng phí. Song các bị cáo đều không tuân thủ đúng quy định xác định giá đất.
Các bị cáo đều nhận thức rõ được các nội dung cần xác định khi định giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, cộng đồng và nhà đầu tư, tính toán tỷ lệ đất được bán hàng năm, tách riêng giá đất nhà cao tầng với các loại đất khác để tính giá, phù hợp tình hình địa phương. Các bị cáo ở vai trò trách nhiệm và các khâu khác nhau song đều đồng thuận với giá sai quy định do đơn vị thẩm định đưa ra.
Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp phạm tội giản đơn, trách nhiệm chính thuộc về các bị cáo trực tiếp có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, như ông Phương.
Về trách nhiệm dân sự, hậu quả vụ án được xác định 308 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra Công ty Rạng Đông và các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền trên. UBND tỉnh Bình Thuận có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và có đơn xin nhận số tiền trên.
Tòa cho rằng cần trả lại cho tỉnh Bình Thuận số tiền này. UBND tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm quản lý, sử dụng số tiền trên đúng quy định pháp luật. Công ty Rạng Đông được Tòa tuyên tiếp tục thực hiện dự án.
Do hậu quả vụ án đã được khắc phục toàn bộ, tài sản bị kê biên, ngăn chặn của các bị cáo được giải tỏa.